Dòng sông miền Trung duy nhất có dòng chảy ngược, nước “khuấy không vẩn đục”, gắn với một Di sản văn hóa phi vật thể

Sông Kiến Giang có chiều dài 58km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình.

Theo Báo Quảng Bình, trong công cuộc chế ngự thiên nhiên và chống giặc dữ, tổ tiên người dân ở huyện Lệ Thủy đã dần cơi nới, mở rộng con sông nên đã đổi tên sông từ Bình Giang sang Kiến Giang. Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An thế kỷ XVI, viết về con sông này với “nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là con sông đẹp nhất trong xứ”.

Dòng sông Kiến Giang miền Trung duy nhất có dòng chảy ngược, gắn với một Di sản văn hóa phi vật thể- Ảnh 1.

Một đoạn của sông Kiến Giang. Ảnh: Báo Quảng Bình

Từ thượng nguồn, sông chảy về xuôi nuôi dưỡng phù sa cho cây lúa, củ khoai rồi dưỡng dục, hun đúc biết bao thế hệ con cháu lưu danh sử sách. Phạm thượng tướng người xã Đại Phúc Lộc khi nghe tin Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa tìm theo có công dẹp giặc Minh được phong Thượng tướng.

Nguyễn Danh Cả (có sách gọi là Danh Khả) người xã Lộc Thuỷ, cuối đời nhà Hồ dự Hội thề Lũng Nhai theo Lê Lợi đánh giặc lập công được phong tước Trung Lượng đại phu. Con là Danh Trí được phong Vũ Tiết đại phu, cháu là Nguyễn Đình Tuấn được phong là Quả Cảm tướng quân.

Đời nhà Mạc, Dương Văn An tự Tĩnh Phủ khoa thi Đinh Mùi (1547) đỗ Tiến sĩ ra làm quan. Đời nhà Nguyễn có Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc làm quan thanh liêm chính trực được vua Tự Đức ban tặng bức Đại hạng tự kim đề 4 chữ: Liêm – Bình – Cần – Cán (thanh liêm, công bằng, cần cù, mẫn cán)…

Như dòng sông Kiến Giang chảy mãi, nối tiếp các bậc tiền nhân còn biết bao nhiêu người con quê hương Lệ Thuỷ rạng ngời sử sách…

Dòng sông Kiến Giang miền Trung duy nhất có dòng chảy ngược, gắn với một Di sản văn hóa phi vật thể- Ảnh 2.

Sông Kiến Giang đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tuyến đường sắt Bắc Nam cắt qua con sông này tại cầu Mỹ Trạch. Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, cầu Mỹ Trạch là nơi chứng kiến Thảm sát Mỹ Trạch đẫm máu, nơi dân làng Mỹ Trạch bị quân Pháp đưa ra cầu xử bắn, nơi đây ngày nay vẫn còn “Bia căm hờn” ghi lại tội ác này.

Khúc sông náo nhiệt nhất vẫn là đoạn chảy qua trung tâm huyện Lệ Thủy. Với những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm, những dãy phố khang trang buôn bán sầm uất soi bóng dòng Kiến Giang.

Sông Kiến Giang uốn khúc quanh co, chia thành hai nhánh và mấy chiếc cầu cong cong duyên dáng mang đến vẻ đẹp nên thơ cho vùng phố huyện này. Tại ngã ba sông Kiến Giang là chợ Tréo – ngôi chợ lớn nhất huyện Lệ Thủy, luôn tấp nập trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán.

Sông chảy qua làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, địa danh đã trở nên nổi tiếng nhờ có ngôi nhà năm xưa gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh sống. Cũng như bao ngôi nhà thuở xưa của vùng đất này, ngôi nhà được bao quanh bởi hàng rào xanh ngắt và đều tăm tắp. Bước qua chiếc cổng gỗ lợp mái tranh, bạn sẽ thấy ngôi nhà giản dị vách gỗ với cây cau, cây vú sữa và mấy luống hoa cải. Hàng chục năm nay, những người phương xa vẫn thường đến đây để thăm ngôi nhà đã sinh ra vị tướng tài ba của mọi thời đại…

Cách nhà Đại tướng không xa là chùa An Xá – chứng nhân lịch sử của chiến tranh Quảng Bình trong khói lửa Bình – Trị – Thiên. Trải qua bao đời, công trình này vẫn giữ nguyên dáng vẻ mộc mạc, cổ kính. Mặt tiền của chùa đặt bức bình phong xây bằng đá kiên cố, sát hiên có cây dừa có tuổi đời 60 năm. Sinh thời, cứ mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại đến vãn cảnh chùa.

Dòng sông Kiến Giang miền Trung duy nhất có dòng chảy ngược, gắn với một Di sản văn hóa phi vật thể- Ảnh 3.
Dòng sông Kiến Giang miền Trung duy nhất có dòng chảy ngược, gắn với một Di sản văn hóa phi vật thể- Ảnh 4.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang

Vẻ đẹp nơi đây được ví von như một tác phẩm mộc mạc, giản dị mà tạo hoá ban tặng cho người dân Lệ Thuỷ. Những lúc ánh mặt trời nhô lên, mặt nước sông Kiến Giang cũng bắt đầu “thay chiếc áo” và biến mình thành dải lụa óng ánh màu ngọc bích, gợn những đợt sóng nhỏ như đang thầm thì nói chuyện. Thú vị và ấn tượng hơn cả là tiếng sáo của những cậu bé chăn trâu khiến cho khung cảnh hiền hoà nơi đây trở nên yên bình, nhẹ nhàng đến lạ kỳ.

Sông Kiến Giang còn gắn với lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân huyện Lệ Thủy vào ngày 2/9 hàng năm. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *