Liên tiếp tình cờ bắt gặp, giao nộp rùa núi vàng có tên trong sách Đỏ
Ngày 11/8/2024 vừa qua, một anh nông dân tên Đường ở xã xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang làm việc trên rẫy của gia đình thì bất ngờ phát hiện một con vật lạ đang cố bò rúc vào lùm cây cỏ. Anh lần theo thì thấy một con rùa lạ màu vàng vàng.
Cảm nhận con rùa lạ này là động vật hoang dã quý hiếm mà pháp luật cấm săn bắt, vận chuyển, mua bán, nên anh Đường đã mang con rùa tới khai báo, giao nộp cho lực lượng chức năng là Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh.
Đơn vị chức năng đã xác định đây là một cá thể rùa núi vàng, là động vật rừng, động vật hoang dã quý hiếm có tên trong sách Đỏ.
Đơn vị này đã phối hợp với Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) để tiếp nhận, nuôi dưỡng, theo dõi để tiến hành thả rùa núi vàng về môi trường tự nhiên.
Chị Bùi Thị Thúy Liệu, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (thứ 2 từ phải sang) mang một con rùa núi vàng-động vật rừng quý hiếm, động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ tới Kiểm lâm TP Huế để giao nộp. Ảnh: Tr.H.
Trước đó, vào một ngày tháng 5/2024, một chị nông dân khác ở tỉnh TT-Huế mang đến trụ sở cơ quan Kiểm lâm TP Huế một con bò sát lạ để khai báo và giao nộp.
Chị là Bùi Thị Thúy Liệu, xã Hương Thọ, TP Huế. Chị cho hay, mình vô tình thấy con rùa lạ này khi nó bò lạc vào vườn nhà.
Nghĩ đây là loài động vật hoang dã quý hiếm được pháp luật bảo vệ, cấm săn bắt, tàng trữ, mua bán nên chị mang con rùa lạ này tới nộp cho kiểm lâm.
Qua xác minh, cơ quan chuyên môn về rừng đã xác định, con rùa lạ chị Liệu mang tới giao nộp là một cá thể rùa núi vàng.
Ngành chức năng về quản lý rừng cũng cho biết, rùa núi vàng có tên khoa học là Indotestudo elongata, thuộc nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhiều người hỏi, loài rùa núi vàng có tuổi thọ là bao nhiêu năm? Giải đáp, tuổi thọ của rùa núi vàng trung bình vào khoảng 30-50 năm.
Ở Autrailia có trường hợp cá thể rùa núi vàng sống thọ tới hơn 100 năm. Nhiều tài liệu khoa học ghi chép rằng tuổi thọ của loài rùa núi vàng tăng từ 30-50 năm lên 70 năm.
Nhân nuôi, sinh sản thành công rùa núi vàng trong môi trường bán tự nhiên
Năm 2021, ở Việt Nam, các nhà khoa học Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật – Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đã tiến hành cho sinh sản thành công 2 loài rùa quý hiếm của Việt Nam tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Hà Nội).
Hai loài rùa bản địa quý hiếm được sinh sản thành công là rùa Trung bộ và rùa núi vàng.
Hai cá thể rùa núi vàng tham gia sinh sản lần này là 2 con rùa núi vàng (một rùa đực và một rùa cái) được cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã quý hiếm cứu hộ thành công năm 2018.
Cận cảnh một cá thể rùa núi vàng. Rùa núi vàng trên có tên khoa học là Indotestudo elongata, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB; nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN); cần được ưu tiên bảo vệ, cấm săn bắt, buôn bán…
Hai cá thể rùa núi vàng nói trên đã sinh sản được thêm 2 cá thể rùa núi vàng con.
Rùa núi vàng phân bố ở các quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là Nam Á, Đông Nam Á như Nepal, Bangladesh, Ấn Độ (Jalpaiguri, East Bengal và Bihar), Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, tây Malaysia, nam Trung Quốc.
Tại Việt Nam, rùa núi vàng có ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Tây Ninh, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông…
Rùa núi vàng có bị cấm nuôi không?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 và khoản 7 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP như sau:
Điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại.
1. Có phương án nuôi, trồng theo Mẫu số 04, Mẫu số 05, Mẫu số 06 và Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cơ sở nuôi, trồng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi, trồng; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trồng, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
3. Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
4. Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.
Theo quy định trên thì để được nuôi rùa núi vàng trong nhà thì đảm bảo được các điều kiện nuôi sau:
– Có phương án nuôi;
– Cơ sở nuôi rùa núi vàng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi;đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
– Và phải đảm bảo giống rùa núi vàng hợp pháp: Khai thác giống rùa núi vàng hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu rùa núi vàng giống hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
– Trong quá trình nuôi rùa núi vàng thì phải lập sổ theo dõi nuôi; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.
Leave a Reply