Đột phá ngoại giao bất ngờ

Đột phá ngoại giao bất ngờ - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm UAE. Ảnh Press

Trong khi ông Putin tận hưởng cảm giác thành công thì phía kia chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Nguyên nhân đơn giản chỉ là với chuyến công du nước ngoài này, ông Putin đã làm nên bước đột phá về đối ngoại. Điều này quan trọng về chính trị thế giới đến mức kết quả cụ thể của chuyến thăm không đáng kể bằng việc chuyến thăm đã được thực hiện. 

Từ sau khi phát động cuộc chiến ở Ucraine với Ucraine hồi cuối tháng 2.2021, ông Putin rất hiếm khi công du nước ngoài. Việc này lại càng thêm hiếm và khó khăn từ khi toà án hình sự quốc tế phát lệnh truy bắt ông Putin. Lệnh này buộc gần 130 thành viên LHQ tham gia toà án hình sự quốc tế không muốn và không thể tiếp đón ông Putin. 

Ông Putin giờ chỉ còn có thể tới những quốc gia không tham gia toà án hình sự quốc tế như Trung Quốc, một số nước ở vùng Trung Á hay UEA và Ả rập Xê út. Mỹ, EU và đồng minh cùng toà án hình sự quốc tế muốn cô lập ông Putin về chính trị. 

Cho nên việc ông Putin tới thăm Trung Quốc mới đây và vừa rồi UEA và Ả rập Xê út cho thấy các nước này không cùng phe với Mỹ, EU và đồng minh cũng như bất chấp toà án hình sự quốc tế. Cái lợi cho nước Nga và cho cá nhân ông Putin ở đây rất to lớn và với ý nghĩa quan trọng đến mức độ không thể cân đong đo đếm được. 

Không chỉ có như vậy. Giống như Trung Quốc, hai vương triều ở vùng Vịnh kia thúc đẩy quan hệ với Nga như thế khiến Mỹ, EU, Nato và đồng minh không thể không đau đầu. Tương tự như vậy đối với các chuyến thăm Nga trong thời gian vừa qua của lãnh đạo Triều Tiên và Iran. 

Phe này lo ngại những đối tác của Nga và những hoạt động ngoại giao cấp cao của ông Putin giúp Nga tăng thêm thế và lực để đối phó họ, để vô hiệu hoá những biện pháp chính sách mà họ đã áp dụng nhằm trừng phạt Nga cũng như để Nga có thể chủ động vận hành và kéo dài cuộc chiến ở Ucraine cho tới khi đạt được những mục tiêu đề ra. 

Thật ra, tất cả những nước tiếp đón ông Putin đều vì lợi ích của họ trước hết chứ không phải vì Nga. Họ đều có lợi trong việc ứng xử như vậy với ông Putin. Hai phe này đối địch nhau càng quyết liệt và càng không khoan nhượng thì họ càng sáng giá trong chiến lược của cả hai bên bởi cả hai bên càng cần những đối tác như họ. UEA và Ả rập Xê út đã giúp ông Putin có được bước đột phá về ngoại giao quốc tế chứ một mình ông Putin không thể kiến tạo nổi. Cả hai đã giúp ông Putin làm nên một tuyệt phẩm về đối ngoại.

Ông Putin có thể dùng nó để thể hiện vẫn dễ dàng phá thế bị bao vây cô lập như thế nào và vẫn có thể vẫy vùng trong chính trị thế giới như thế nào. Thúc đẩy quan hệ giữa Nga với các đối tác này đồng nghĩa với việc ông Putin phân rẽ các đối tác này với phe kia. 

Với UEA và Ả rập Xê út, ông Putin có một con chủ bài rất hữu dụng là dầu mỏ và khí đốt. Cả ba đều là thành viên nhóm Opec+ và nhóm này vẫn còn tác động mạnh mẽ tới biến động của giá dầu mỏ và khí đốt trên thị trường thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới phía bên kia. UEA và Ả rập Xê út dùng việc đón ông Putin trong bối cảnh tình hình hiện tại trên thế giới, ở châu Âu (có cuộc chiến ở Ucraine) và ở khu vực Trung Đông (có cuộc chiến giữa Hamas và Israel) để chứng tỏ độc lập và tự chủ về đối ngoại chứ không lệ thuộc vào ai đó bên ngoài và không chịu áp lực của ai đó bên ngoài. 

Chỉ như thế, hai vương triều này mới có thể đề cao vai trò và phát huy ảnh hưởng về chính trị trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo. Đấy cũng còn là một cách giúp UEA và Ả rập Xê út gián tiếp thể hiện thực chất quan điểm thái độ của họ về cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel nói riêng, về cuộc xung khắc giữa Israel và Palestin nói chung. Sau chuyến đi này, ông Putin có thể yên tâm về sự hiện diện của Nga ở Vùng Vịnh và có thể chuyên tâm hơn cho cuộc chiến ở Ucraine và cuộc đối địch với Mỹ, EU, Nato và Phương Tây.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *