Ngày 23/8, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái”.
Tham dự có ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, lãnh đạo Sở NNPTNT Khánh Hòa. Lãnh đạo Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và gần 100 đại biểu cùng tham dự.
Ông Lê Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là địa phương có điều kiện thuận lợi và rất có tiềm năng để phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Bởi, trên địa bàn có nhiều sản phẩm nông nghiệp như: Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài Cam Lâm,…các sản phẩm chất lượng ngày càng được nâng lên đáng kể.
Ngành chăn nuôi của tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh hiện có khoảng 64.000 con trâu bò, 350.000 con heo, 2,58 triệu con gia cầm; tập trung vào khoảng 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 250 trang trại quy mô vừa và 129 trang trại quy mô nhỏ.
Chăn nuôi dê có nhiều lợi thế hơn so với chăn nuôi các loài gia súc khác như cần vốn ít, quay vòng vốn nhanh, tận dụng được lao động và điều kiện tự nhiên ở mọi vùng sinh thái. Đặc biệt, dê còn có khả năng chịu đựng được kham khổ, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt tại những vùng sinh thái có điều kiện khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán…. Qua 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Khánh Hoà với quy mô 210 con/4 hộ, trong đó nuôi chủ yếu ở huyện Khánh Vĩnh và Cam Lâm.
Kết quả bước đầu cho thấy dự án phù hợp với chủ trương phát triển chăn nuôi của tỉnh, được người dân ủng hộ, nhiệt tình tham gia và có sự phối hợp, quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền. Mô hình nuôi dê sinh sản phù hợp với vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái của người dân tại địa phương. Hiện mô hình đang mở ra nhiều triển vọng giúp cho người dân có thêm thu nhập và đồng thời kết nối phát triển du lịch vùng nông thôn, du lịch sinh thái.
Ông Lê Văn Hoan cho rằng, sản phẩm mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú như: Trồng táo Cam Thành Nam, trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, nuôi dê ở Khánh Vĩnh, nuôi các hải sản trên biển,…mô hình thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Du khách có thể vừa thưởng thức những quả ngon và chụp hình ngay tại vườn, từ đó tạo ra sức hấp dẫn cho du khách.
Ông Hoan cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm OCOP để người dân và du khách dễ dàng tiếp cận với các mô hình. Từ đó, người nông dân sẽ có thêm nguồn thu nhập từ nguồn khách du lịch này. Để làm được điều đó, ông đề nghị cần đào tạo, hướng dẫn, tập huấn những đội ngũ có chuyên môn và có sự phối hợp đồng bộ của các cấp.
Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, đơn vị đã tổ chức mô hình chăn nuôi cừu gắn với du lịch sinh thái, mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch sinh thái và sắp tới đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ xây dựng các mô hình: Chăn nuôi thỏ, đà điểu gắn với du lịch sinh thái, mô hình chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi trâu gắn với du lịch sinh thái giúp cho du khách có những trải nghiệm vui vẻ, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương và hộ gia đình.
Ông Lê Minh Lịnh cho biết thêm, trong định hướng sắp tới Bộ NNPTNT sẽ tập trung một số giải pháp trong nông nghiệp đưa ra những chính sách cho phù hợp cho ngành du lịch, đưa ra các mô hình chăn nuôi để cho bà con nông dân học tập. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã và đào tạo cho nông dân biết cách làm du lịch, biết cách chăn nuôi, biết cách bán những sản phẩm cho khách du lịch.
Theo ông Lịnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho bà con nông dân về cách làm du lịch và đưa người dân từ vùng này đến vùng khác học tập kinh nghiệm hay từ các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để về áp dụng cho hiệu quả.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mô hình du lịch nông nghiệp giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Bên cạnh đó, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.
Theo các chuyên gia, cần có bốn thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp”, cụ thể: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Trên thế giới loại hình này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở mỗi quốc gia, du lịch nông nghiệp lại có những tên gọi khác nhau. Cụ thể: ở Anh là “Rural-tourism” – du lịch nông thôn, Mỹ là “Homestead” – du lịch trang trại, Nhật Bản là “Green-tourism” – du lịch xanh, còn ở Pháp là “Tourism de verdure” – du lịch với cỏ cây,…
Hiện nay, theo thống kê mỗi năm, người Mỹ chi khoảng hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi. Những mô hình nông trại ở Mỹ đã thực sự khẳng định tính hiệu quả trong phát triển DLNN, và người nông dân hoàn toàn có thể chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, bằng cách đưa du lịch về với các nông trại.
Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.
Theo đó, hiện du lịch nông nghiệp ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam.
Loại hình du lịch nông nghiệp (DLNN) ở Việt Nam phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp. Có thể kể đến các sản phẩm DLNN điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La), thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), làng rau Trà Quế (Quảng Nam),…
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh đã triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch cộng đồng mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng trên Hồ Hòa Bình, du lịch thể thao: Dù lượn, Golf, chạy marathon, lướt sóng, câu cá, du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm OCOP…, bên cạnh đó các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách đến như: Camping, tắm thác, suối…
Các địa phương khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình: Tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh đã khôi phục và duy trì tốt các hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự,…
Leave a Reply