Đưa phiên chợ Việt đến người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận

Phiên chợ Việt đến người dân miền núi

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tuy Phong sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 19/7 – 21/7 tại Nhà Văn hoá xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

Đưa Phiên chợ Việt đến người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận- Ảnh 1.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm thôn Phú Lạc huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân – BTO

Các mặt hàng tại Phiên chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, như lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, nước mắm, nước giải khát; quần áo thời trang trẻ em và người lớn; giày dép; hoá mỹ phẩm; các dịch vụ viễn thông; chăn, gối, nệm… được sản xuất tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó còn có các mặt hàng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, như máy công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, giống cây trồng…

Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia tại Phiên chợ lần này chuẩn bị đầy đủ số lượng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, đúng nội dung đăng ký tham gia. 

Thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thông báo các chương trình khuyến mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng cụ thể tại gian hàng. Không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá đã hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng.

Kết nối giao thương với bà con miền núi 

Cũng theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, phiên chợ lần này nhằm thực hiện chủ trương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.

Đưa Phiên chợ Việt đến người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận- Ảnh 3.

Các em học sinh xã Phú Lạc nhận quỹ khuyến học. Ảnh: CTV

Thông qua đó liên kết xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển sản phẩm mới. 

Đồng thời, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có dịp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, để nâng cao chất lượng hàng hóa, liên kết, hợp tác mở rộng các chi nhánh, đại lý đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Theo UBND huyện Tuy Phong, xã Phú Lạc là xã miền núi thuần đồng bào dân Chăm. Xã có tổng diện tích 8.028,71 ha chiếm 10,31% diện tích tự nhiên của toàn huyện Tuy Phong, dân số khoảng 9.077 khẩu/2.295 hộ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *