Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập

Làm tốt công tác bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch đưa sản phẩm làng nghề vươn xa 

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Festival Nghề truyền thống – Quảng Nam 2024 là một trong những hoạt động trọng tâm của chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế gắn với du lịch nông nghiệp để thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 1.

Nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) đang đổ đồng vào khuôn tạo ra sản phẩm từ đồng. Ảnh: T.H

“Festival Nghề truyền thống – Quảng Nam 2024 là sự tái hiện một cách sinh động các giai đoạn phát triển mạnh mẽ nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành tiêu biểu được mời nói chung.

Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, còn tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam. Các hoạt động gắn kết làng nghề giữa các vùng miền được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước những bản sắc văn hóa, làng nghề… gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển nghề truyền thống của tỉnh. Hướng đến các giải pháp để bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam trong thời gian đến.

Tạo cơ hội quảng bá, thúc đẩy cho các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 2.
Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 3.

Nghề hến Tân Phú, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã được công nhận là nghề truyền thống. Ảnh: T.H

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Phát triển kinh tế nông thôn không thể bỏ qua vai trò của các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống.

Ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời, là khu vực sản xuất có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động nữ…; đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi miền quê, hồn quê, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch”.

Đầu tư hàng tỷ đồng để hỗ trợ làng nghề phát triển

Theo ông Phạm Viết Tích, tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.

Trong số các làng nghề được công nhận, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.Các nghề, làng nghề được công nhận phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng và 2 huyện miền núi.

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 4.
Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 5.

Nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Nam đã tạo ra rất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc và tạo nên thương hiệu của các làng nghề. Ảnh: T.H – CTV

Trong tổng số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản…; có 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như, mây tre đan, đan lát, nón lá, dệt chiếu, dệt vải, dệt thổ cẩm. Một số làng nghề duy trì ổn định và có sự phát triển nhờ gắn kết với phát triển du lịch như, làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề gốm Thanh Hà (Hội An).

Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 6.

Du khách tham quan tại làng nghề gốm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

“Trong những năm qua, các sở, ngành đã tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách của ngành quản lý có nội dung liên quan đến hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn, như năm 2024 UBND tỉnh đã phân bổ 5,066 tỷ đồng để các địa phương thực hiện cơ chế theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025”, ông Tích cho biết. 

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 7.
Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 8.

Festival Nghề truyền thống – Quảng Nam 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 28/8 đến hết ngày 31/8. Bên cạnh đó, Festival Nghề truyền thống còn tôn vinh các nghệ nhân tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam. Ảnh: T.H

Cũng theo ông Phạm Viết Tích, phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP. Đối với chương trình OCOP cũng ưu tiên phát triển những sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn mang những giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương.

Tập trung phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Các sản phẩm từ địa phương được đánh giá cao và ngày càng được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cũng như hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm nổi bật như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Tiêu Tiên Phước, Yến Sào, đèn lồng Hội An, bánh tráng Đại Lộc, trà gừng Cù Lao Chàm, gạo tím than Lò gạch cũ, gà tre Đèo Le,… và rất nhiều sản phẩm OCOP được hình thành và phát triển từ các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với các điểm du lịch Cộng đồng, mang giá trị độc đáo cho mỗi địa phương của tỉnh.

Phát triển một số sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP từ làng nghề như, gốm Thanh Hà, làng nghề làm mắm Cửa Khe huyện Thăng Bình, nghề dệt lụa Mã Châu huyện Duy Xuyên, thủ công mỹ nghệ thị xã Điện Bàn, nghề làm quế huyện Bắc Trà My, dệt Thổ Cẩm, mây tre đan… được khôi phục và phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. 

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 9.
Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 10.

Du khách thích thú với các sản phẩm từ gốm tại làng nghề gốm Thanh Hà ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

Ngoài ra, phát triển du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn nó còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nghề truyền thống như các tour trải nghiệm đan lát, kỹ thuật mộc, đúc đồng, dệt thổ cẩm, trải nghiệm nghề làm gốm…

Những mô hình du lịch này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân làng nghề thông qua việc đưa khách du lịch trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề mà còn giúp quảng bá sản phẩm, giá trị của làng nghề, từ đó, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của làng nghề.

Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 11.
Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024: Nâng tầm sản phẩm làng nghề và hội nhập - Ảnh 12.

Bằng những cục đất sét, nhưng qua tay các nghệ nhân, người dân đã tạo ra được những sản phẩm bắt mắt, hút khách ở làng gốm Thanh Hà, Hội An. Ảnh: T.H

“Có thể khẳng định rằng, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề tỉnh Quảng Nam gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương là xu thế tất yếu đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, còn khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, lành nghề và người lao động ở các địa phương, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch”, ông Phạm Viết Tích chia sẻ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *