Thuỷ điện Hòa Bình vẫn an toàn, hoạt động ổn định
Theo EVN, hiện 5/7 nhà máy thủy điện tại miền Bắc đã xả qua đập tràn, trong đó Thủy điện Tuyên Quang đã rút bớt 2 của xả lũ từ 8 cửa (ngày hôm qua) xuống 6 cửa trong sáng nay.
Tuy nhiên, lượng nước xả qua đập tràn của Thủy điện Tuyên Quang vẫn lớn nhất trong 7 nhà máy thủy điện ở miền Bắc với 3.675 m3/s. Nhà máy Thủy điện Thác Bà ghi nhận lượng xả qua đập tràn hơn 2.900 m3/s. Tuy nhiên, điều đáng mừng, lưu lượng nước về hồ này đã giảm nhanh.
Ba thủy điện khác trên sông Đà là Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng xả tràn tỷ lệ thấp chỉ từ 78-90 m3/s.
Đến thời điểm này, hai nhà máy thủy điện lớn nhất ở Tây Bắc là Sơn La và Hòa Bình chưa xả đập tràn, lưu lượng nước về hồ vẫn ở mức trung bình.
Lưu lượng nước qua nhà máy của các nhà máy thủy điện miền Bắc, lớn nhất là Thủy điện Sơn La với 2.584 m3/s, Thủy điện Hòa Bình hơn 2.237 m3/s, Thủy điện Lai Châu hơn 1.640 m3/s.
Các công trình Thủy điện khác như Thủy điện Tuyên Quang xả 684 m3s, Thủy điện Huội Quảng hơn 376 m3/s, Thủy điện Bản Chất hơn 233 m3/s.
Tính đến thời điểm 9 giờ 30 phút sáng nay, Thủy điện Thác Bà vẫn xả mặt 3 cửa. Các Thủy điện Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Thác Bà đã đóng cửa xả đáy. Các Thủy điện Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng vẫn duy trì 1 cửa xả mặt.
Là 1 trong 3 nhà máy lớn nhất sông Đà, Thủy điện Hòa Bình đang là chốt chặn cuối cùng để điều tiết nước xuống hạ du miền Bắc và Bắc Trung Bộ, vì vậy công trình thủy điện này đang được người dân đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với PV Dân Việt lúc 10 giờ sáng nay, ông Phạm Văn Vương – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết: Thủy điện Hòa Bình vẫn vận hành ổn định.
Ông Vương cho biết thêm: “Hồi 9h sáng nay mực nước hồ 111,59m, lưu lượng về hồ 1726m3/s; lưu lượng ra 2244m3/s. Nhà máy đã đóng cửa xả cuối vào 9h sáng nay theo lệnh của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai”.
Khi PV đề cập đến thông tin EVN cho biết, lượng nước thượng lưu về các hồ Thủy điện Lai Châu là hơn 1.700 m/s, Thủy điện Sơn La hơn 3.300 ms – hai công trình thủy điện trên thượng lưu của sông Đà có ảnh hưởng gì đến Thủy điện Hòa Bình, ông Vương khẳng định: “Lượng nước này không phải là cao, lưu lượng bình thường đủ vận hành an toàn”.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, lưu lượng về hồ Thủy điện Tuyên Quang lớn nhất là 6.966 m3/s lúc 09h ngày 09/9. Hiện tại, lưu lượng về hồ đã giảm xuống còn 2.850 m3/s, tổng lưu lượng xả là 4359 m3/s, mực nước thượng lưu đã giảm xuống còn 117,9 m.
Từ 14h ngày 08/9 đến 15h ngày 09/9, hồ chứa Tuyên Quang đã thực hiện lệnh mở 08/08 cửa xả đáy theo lệnh chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngày 10/9 đã đóng 02 cửa lúc 08h00 và 12h00, ngày 11/9 đóng thêm 01 cửa lúc 08h00.
Đối với thủy điện Thác Bà, lưu lượng về hồ lớn nhất là 5.620 m3/s lúc 09h ngày 10/9. Hiện tại, lưu lượng về hồ đã giảm xuống còn 3.150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s, mực nước thượng lưu đã tăng lên 59,9 m. Hồ chứa Thác Bà đã thực hiện lệnh mở 03/03 cửa xả theo lệnh chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Thêm 400.000 hộ sử dụng điện ở Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên mất điện
Về tình hình cung ứng điện tại miền Bắc, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến sáng ngày 11/9 đã khôi phục vận hành được 1.376/1.604 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng bão.
Đồng thời, đến sáng 11/9 đã khôi phục cung cấp điện được cho 4,8 triệu khách hàng trên tổng số hơn 5,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi (tương ứng tỷ lệ 81,3%).
Tuy nhiên, từ đêm ngày 9/9 đến nay, do mưa lớn liên tục đã gây lũ lớn tại một số tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai gây ngập lụt tại 15 khu vực và dẫn tới gây mất điện khoảng trên 400.000 khách hàng.
Theo bản tin lúc 5h30 ngày 11/9/2024 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Đồng thời, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, ũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.
Leave a Reply