Dubai – biến đất cằn thành tiền
Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) không còn xa lạ với nhiều nước phát triển. Xuất hiện lần đầu từ những năm 1960, hiện nay trên thế giới đã có hơn 3.500 Khu thương mại tự do ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Câu chuyện điển hình cho sự lột xác thần kì của “phép màu Khu thương mại tự do” chính là Dubai – từ một làng chài nghèo đã phát triển thành trung tâm kinh tế lớn. Thậm chí, Dubai đã thành lập Khu kinh tế tích hợp (Dubai Intergrated Economic Zones – DIEZ), gồm: Khu thương mại tự do Sân bay Dubai, Dubai Silicon Oasis và Dubai CommerCity.
Giá bất động sản Dubai tiếp tục leo thang.
Dubai sáp nhập ba khu kinh tế tự do lớn kể trên, từ năm 2021, nhằm tạo ra động lực mới cho nền kinh tế và cho phép tiểu vương quốc này cung cấp trải nghiệm đầu tư và kinh doanh đặc biệt cùng các giải pháp và dịch vụ chất lượng cao cho doanh nghiệp. Giới quan sát cho rằng, kinh tế Dubai, vốn đã phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái do dịch Covid-19, nay đang duy trì đà tăng trưởng. Điển hình là mức tăng trưởng doanh thu hàng năm: 5% của DIEZ trong nửa đầu năm 2023, đóng góp vào việc kéo dài “đà tăng trưởng mạnh mẽ” chung cho Dubai (4,4%). Kết quả tài chính vượt mong đợi của DIEZ cũng góp phần nâng cao vị thế Dubai như một thành phố đi đầu trong quá trình phục hồi chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, là trung tâm kinh tế và hậu cần quốc tế hàng đầu.
Dubai ngày càng thu hút các công ty toàn cầu, nơi có lượng lớn nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động chất lượng cao đổ về làm việc và sinh sống. Dân số Dubai dự kiến sẽ tăng từ 3,7 triệu (năm 2022) lên 7,8 triệu vào năm 2040, điều này, tiếp tục tạo lực đẩy giá bất động sản các khu vực quanh FTZs và khu trung tâm tiếp tục leo thang chóng mặt thời gian tới.
Theo nghiên cứu từ công ty môi giới bất động sản Knight Frank chia sẻ với Reuters, có 431 ngôi nhà tại Dubai được bán với giá từ 10 triệu đô la trở lên vào năm 2023, gần gấp đôi số lượng của năm trước và trở thành thị trường bất động sản lớn nhất thế giới. Nhờ sự quan tâm của các nhà đầu tư, giới tài phiệt và sự tăng trưởng kinh tế của Dubai, giá bất động sản được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024.
Dẫu có một số dự án BĐS cao cấp mới dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao trong năm 2024 thì nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của dòng người nhập cư ngày càng đông tới Dubai. Đặc biệt, giới chuyên gia khẳng định, bất động sản cao cấp ở Dubai sẽ tiếp tục bùng nổ khi xuất hiện thêm một thế hệ cư dân giàu có mới muốn cạnh tranh để mua bằng được nhà ở sang trọng nhưng số lượng hữu hạn.
Hải Nam – Bất động sản “phi nước đại” đón đầu
Nhiều khu vực, quốc gia “theo sau” trong việc thiết lập các khu thương mại tự do, nhờ đó, học hỏi được từ các mô hình FTZ thành công. Tiêu biểu như đảo Hải Nam (Trung Quốc), nơi ngày càng có thêm những chính sách cởi mở và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty toàn cầu… Nhờ hàng loạt chính sách thuận lợi, Hải Nam có đà phát triển mạnh và tiến những bước dài hướng tới trở thành cảng thương mại tự do có ảnh hưởng trên thế giới.
Nhưng điều khiến giới quan sát chú ý phải kể đến là giá một số dự án bất động sản tại Hải Nam đã tăng vọt hơn 50% vào tháng 4/2018. Mức tăng giá ghi nhận nhanh thứ 2 ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi cam kết của chính phủ Bắc Kinh với định hướng sẽ phát triển Hải Nam thành khu thương mại tự do lớn nhất cả nước và nâng cấp các ngành công nghiệp cốt lõi. Bao gồm cả du lịch và dịch vụ hiện đại, công nghệ cao.
Điều này cho thấy, việc lập FTZ, bất kể mới chỉ là chính sách, định hướng, đã tác động không nhỏ tới giá BĐS khu vực đó, do sự tăng cao của lượng cầu, bao gồm cả sự kỳ vọng vào nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm lực.
Đô thị phát triển xung quanh khu vực trung tâm của Khu Thương mại Tự do Thí điểm Hải Nam.
Và kể từ khi áp dụng các chính sách thuế quan ưu đãi, đảo Hải Nam – nơi được mệnh danh là “Hawaii của Trung Quốc”, đã trở thành “thiên đường” bán lẻ & du lịch của cả cư dân đại lục lẫn du khách quốc tế… Với đường bờ biển dài cùng nhiều điểm tham quan tự nhiên, đảo Hải Nam ngày càng khẳng định sức hút là chốn nghỉ dưỡng mua sắm cao cấp của khách du lịch. Chính phủ Trung Quốc mới đây thậm chí đã công bố có kế hoạch nâng cao vị thế của đảo Hải Nam hơn nữa bằng mục tiêu miễn thuế cho toàn bộ hàng hóa bán lẻ trên hòn đảo vào năm 2025. Chính sách này sẽ tạo ra một cú hích lớn cho lĩnh vực bán lẻ vốn đã rất ấn tượng của Hải Nam.
Quy chiếu tại Việt Nam, một quyết sách quan trọng vừa được Quốc hội thông qua cuối tháng 6 là cho phép lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng – nơi hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá trở thành đô thị không chỉ đáng đến, đáng sống mà còn đáng đầu tư.
Được biết, thành phố Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thiện đề án, quy hoạch hoạch một số địa điểm phù hợp để lập Khu Thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam. Bao gồm 3 phân khu: Hoạt động logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu, phân khu sản xuất gắn với khu công nghệ cao và phân khu dịch vụ thương mại, ưu tiên phát triển du lịch. Các phân khu sẽ giống ba chân kiềng được kết nối bằng cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi thuế quan, dự kiến sẽ củng cố các lĩnh vực thế mạnh, tạo thêm những đột phá mới cho Đà Nẵng, từ đó đưa thành phố biển đáng sống khẳng định thêm vị thế đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng, là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam kỳ vọng tạo đột phá cho kinh tế Đà Nẵng.
Những lợi thế kể trên là bàn đạp, để khi có thêm những lợi thế riêng trong khu thương mại tự do, Đà Nẵng sắp tới sẽ trở thành trung tâm giao lưu về hàng hóa, công nghệ cao, du lịch của khu vực cũng như trên tầm quốc tế. Một khi áp dụng các cơ chế đặc thù, vận hành khu thương mại tự do với các chương trình đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh tốt, kinh tế Đà Nẵng sẽ bứt phá hơn nữa khẳng định là thiên đường du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, thiên đường sống, đầu tư đẳng cấp quốc tế.
Leave a Reply