Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Thẩm quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn (Bài 2)

LTS: Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Có thể thấy đây được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quy định sẽ phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Nhân dịp này, Dân Việt triển khai loạt bài: “Giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện “tranh công đổ tội” nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định 142 trong công tác nhân sự cũng như những kỳ vọng, bước đi mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác nhân sự thời gian tới.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Thẩm quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn- Ảnh 1.

Các Ủy viên Bộ Chính trị tại hội nghị Trung ương 9 khóa XIII. Ảnh VGP

Thưa ông, thường trước các kỳ Đại hội Đảng, công tác nhân sự được làm rất chặt chẽ từ cấp địa phương lên đến Trung ương, nhưng số các vụ vi phạm của cán bộ vẫn không thuyên giảm, nếu không muốn nói là ngày càng tăng với mức độ nghiêm trọng. Ông có thể lý giải nguyên nhân về thực trạng này?

– Trong bài tổng kết 10 năm chống tham nhũng (2013-2023) có một câu rất quan trọng “với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta có quyền nói rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) chưa bao giờ được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và đem lại hiệu quả thiết thực như những năm gần đây”.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao đồng chí Tổng Bí thư lại đặt ra “Kiên quyết, kiên trì, tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ công tác PCTNTC” thì nó có vấn đề của nó chứ không phải tự dưng mà đặt ra! Bởi vì sao? Bởi vì vấn đề tham nhũng, tiêu cực nó gắn liền với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Mà đặc biệt, như đồng chí Tổng Bí thư nói, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Chỗ nào có quyền lực thì chỗ đó dễ nảy sinh tham nhũng. Mà quyền lực lại đễ bị tha hóa. Bởi vì khi có quyền lực thì bao nhiêu thứ nó cứ tự nhiên đến. Quyền lực càng cao thì khi tha hóa hậu quả càng lớn.

Có đau không? Đau chứ! Đồng chí Tổng Bí thư đã nói rồi, trong tất cả các mất mát thì mất mát lớn nhất là cán bộ. Đó là cái mất lớn nhất, đau sót nhất. Nó để lại hậu quả to lớn, phức tạp, lâu dài, và hậu quả khắc phục không phải ngày một ngày hai; không phải câu chuyện một sớm một chiều.

Nếu có mất mát về kinh tế một chút thì chúng ta có thể bảo ban nhau, cố gắng, nỗ lực một chút, tiết kiệm một chút; mỗi người làm việc bằng hai đi thì cũng nhanh chóng khắc phục được.

Còn để có một cán bộ, hơn nữa có một đội ngũ cán bộ, đâu có thể nói hôm nay thì ngày mai nó có. Đâu có thể tìm tháng này, tháng sau sẽ có. Thậm chí nói năm nay, năm sau đã có được. Để có một cán bộ cần có thời gian tìm kiếm, chăm bẵm, bồi dưỡng, vun xới; chăm bón, tỉa tót, “bắt sâu”, tỉa cành…

Có phải chính vì lẽ đó mà từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đã ban hành rất nhiều quy định về công tác cán bộ, thưa ông?

– Đúng vậy, có thể nói rằng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, ngoài một số quy định, quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành rất nhiều quy định về công tác cán bộ, trong đó những vấn đề đã có quy định rồi thì qua thực hiện tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn; những vấn đề chưa có quy định thì tập trung xây dựng, ban hành để thực hiện

Có thể ví dụ như: Quy định số 41 về từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ; Quy định số 50 về Quy hoạch cán bộ; Quy định số 58 về Bảo vệ chính trị nội bộ; Quy định số 69 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên; Quy định số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ; Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; 

Quy định số 131 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; Quy định số 132 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; Quy định số 142 về thí điểm thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu; 

Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và gần đây nhất là Quy định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, chúng ta càng ngày càng thấy rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của người đứng đầu. Nếu Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, chỉ nhấn mạnh đến cán bộ cấp chiến lược thì Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh hai đối tượng là: Cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp. 

Đó có phải là cơ sở chính để Bộ Chính trị ban hành Quy định 142 việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, thưa ông?

– Người đứng đầu tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị có tác động rất to lớn trong việc tạo ra động lực, củng cố niềm tin, lan tỏa tinh thần trách nhiệm cho cấp dưới, tăng cường sự đoàn kết, thóng nhất và khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong cơ quan, đơn vị để cùng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chung.

Tuy nhiên, việc quy định đúng và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ là một vấn đề khó, phức tạp và liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm; đặc biệt là liên quan đến thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Vì thế, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ để thực hiện thí điểm trong thời gian 5 năm, sau đó sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm và hoàn thiện thể chế về vấn đề này. 

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Thẩm quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn- Ảnh 4.

Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII. Ảnh VGP

Sự khác biệt trong Quy định 142 của Bộ Chính trị so với các quy định của Đảng về công cán bộ trước đây là gì? Và làm sao để Quy định có thể đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, bên cạnh đó là công tác giám sát, kiểm tra để tránh những tiêu cực có thể xảy ra thưa ông?

– Tôi cho rằng, Quy định 142-QĐ/TW về việc thí điểm giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ từ cấp huyện đến cấp Trung ương (quân đội và công an không áp dụng quy định này) nhằm tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; đồng thời phát huy tối đa quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. 

Quy định 142 chỉ giao cho người đứng đầu đề xuất nhân sự để bầu hoặc bổ nhiệm cấp phó của mình, nhân sự để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và có thể bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp của mình (mỗi một chức danh chỉ được đề xuất, giới thiệu một người). 

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là tất cả các nhân sự mà người đứng đầu đề xuất, giới thiệu đều phải nằm trong danh sách quy hoạch chức danh đó hoặc chức danh tương đương (danh sách quy hoạch đã được tập thể cấp ủy có thẩm quyền lựa chọn, xem xét và đưa vào quy hoạch theo nguyên tắc tập trung dân chủ). Mặt khác, sau khi người đứng đầu đề xuất, giới thiệu nhân sự và một chức danh nào đó, nhân sự này vẫn phải tuân thủ theo đúng quy trình và thực hiện các bước tiếp theo của công tác cán bộ.

Cùng với việc giao thẩm quyền cho người đứng đầu, Quy định 142 cũng đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự đó; nếu nhân sự đề xuất không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình hoặc thiếu khách quan, công tâm, người đề xuất phải chịu trách nhiệm, kể cả khi đã chuyển công tác khác hoặc đã nghỉ hưu.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Thẩm quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh Xuân Huy

Quy định 142 giao trọng trách, vai trò của người thủ trưởng cơ quan, đơn vị, việc này có liệu có ảnh hưởng gì với vai trò của cấp ủy, của tổ chức trong công tác cán bộ không? Làm sao để vừa phát huy vai trò của người đứng đầu, vừa thực hiện tốt chức năng của tập thể trong công tác cán bộ thưa ông?

– Quy định 142 –QĐ/TW không mâu thuẫn và cũng không ảnh hưởng tới các quy định trước đây của Đảng đã ban hành. Khi người đứng đầu đề xuất, giới thiệu nhân sự thì nhân sự đó vẫn phải được tập thể xem xét và thực hiện tiếp các bước của quy trình tiếp theo. 

Với Quy định 142, người đứng đầu sẽ thấy thẩm quyền của mình cụ thể hơn, nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm của cá nhân mình, đồng thời bảo đảm quan điểm thẩm quyền đi liền với trách nhiệm, thẩm quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn. 

Do đó, Quy định này vừa đề cao và phát huy vai trò của người đứng đầu, nhưng vẫn đảm bảo đúng Nguyên tắc tập trung dân chủ – nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta.

– Xin trân trọng cảm ơn ông.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Về hưu, chuyển công tác vẫn phải liên đới

Trước kia chúng ta đều gắn trách nhiêm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, tuy nhiên trách nhiệm được gắn khá chung chung. Với việc ban hành Quy định 142, thí điểm việc gắn quyền hạn của người đứng đầu với trách nhiệm mà họ phải gánh vác. Cấp trên “được giao quyền”, nhưng là giao quyền cụ thể hơn, “được giới thiệu” đích danh các nhân sự cụ thể nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng các quy trình của công tác nhân sự.

Nếu trong trường hợp người đứng đầu đó giới thiệu nhân sự mà đối tượng được giới thiệu không đảm bảo các tiêu chuẩn hoặc có lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm trong quá trình giới thiệu thì kể cả người đứng đầu đã về hưu hay đã chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm.

Điều này khiến người đứng đầu phải xem xét một cách đầy đủ, khách quan đối với đối tượng mà mình giới thiệu, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức. Theo tôi, Quy định 142 sẽ phát huy cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

(Còn nữa)


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *