Gọi vốn cho loại quả đặc sản xứ Lạng, cô gái dân tộc Tày được Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng

Nữ startup có ước mơ tạo việc làm và kế sinh nhai bền vững cho chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng tại vùng biên giới xứ Lạng chốt thỏa thuận với 2 “cá mập”, nhưng cô nhận được sự hỗ trợ của cả 5 vị Shark để phát triển đặc sản bản địa và chinh phục thị trường thế giới.

Gây thiện cảm trong màn gọi vốn đầy chân thành và nhân văn tại tập 4, chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 là chị Vương Thị Thương, 35 tuổi, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương với sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió”, đặc sản của huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). 

Chị cho biết, HTX đang phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng ở vùng biên giới xứ Lạng. Đây cũng là một trong ba dự án giành giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023.

Gọi vốn cho loại quả đặc sản xứ Lạng, cô gái dân tộc Tày được Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chị Vương Thị Thương, 35 tuổi, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương giới thiệu về sản phẩm Hồng vành khuyên treo gió tại tập 4, chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7. Ảnh: SharkTank

Chị Thương kể, chị sinh ra tại vùng quê nghèo huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, trước đây chị làm giáo viên, nhưng khi chứng kiến cảnh bà con loay hoay với câu chuyện được mùa lại mất giá, chị luôn đau đáu ước mơ thay đổi số phận của những quả hồng, cũng như tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khác. 

“Ăn ngủ tối ngày với hồng”, đến năm 2022, chị Thương đã xây dựng thành công quy trình sản xuất hồng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15-20 ngày. Trong quá trình treo đến ngày thứ 5-7, hồng được massage để tăng vị dẻo tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát. 

Sản phẩm hồng treo gió có thể bảo quản lâu, dễ dàng vận chuyển đi xa và bán được quanh năm. Nhờ đó, hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng được nâng tầm giá trị lên gấp 20 lần, giúp cho nhiều bà con thoát khỏi cảnh lam lũ.

Với diện tích vùng trồng hồng khoảng 1.400ha, tổng sản lượng 10.000 tấn/năm, HTX Nông sản Toàn Thương đang bao tiêu cho bà con lên đến 80% sản lượng. Theo đó, HTX sản xuất 2 dòng sản phẩm chính là hồng sấy nhiệt và hồng treo gió thủ công. 

Theo chia sẻ từ chị Thương, điểm nổi bật của hồng vành khuyên treo gió là “treo từ 10 – 12 ngày đã có thể đẩy được hết chát, quả hồng chuyển sang dạng kem ăn rất ngon và không làm cho mọi người cảm thấy cứng hay khô”. Đến giờ, nhiều hộ dân ở thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) vẫn không tin nổi sản vật hồng vành khuyên treo gió của họ có giá hơn 400.000 đồng/kg, lại có nhiều tiềm năng xuất khẩu. 

Gọi vốn cho loại quả đặc sản xứ Lạng, cô gái dân tộc Tày được Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng - Ảnh 2.

HTX Nông sản Toàn Thương đang bao tiêu cho bà con lên đến 80% sản lượng tại vùng trồng hồng 1.400ha.

Chị Thương cho biết, doanh thu của HTX năm 2023 đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận 2,1 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu năm nay là 10 tỷ đồng; ước tính năm 2025 là 18 tỷ đồng và 2026 là 40 tỷ đồng. Với số vốn kêu gọi đầu tư từ các Shark, HTX sẽ dùng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao sản lượng và tiếp tục nghiên cứu ra những sản phẩm mới, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.

Nói về việc định giá hiện tại, nữ Giám đốc HTX Toàn Thương cho biết đang dựa trên hai cơ sở, đó là tài sản sẵn có và thị hiếu của thị trường. Theo đó, nhà xưởng được định giá 10 tỷ đồng và HTX đang sở hữu 4 công nghệ đã được định giá bởi Viện khoa học.  

Cảm tình với câu chuyện của chị Vương Thị Thương và sản phẩm hồng treo gió, Shark Lê Mỹ Nga – Chủ tịch WeAngels Capital (chuyên cố vấn và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo) đã dành nhiều lời khen cho nữ Giám đốc HTX người Nùng giản dị và nhiều tâm huyết. 

Tuy nhiên mô hình kinh doanh hiện tại của Toàn Thương chưa phù hợp nên bà quyết định không đầu tư. Mặc dù vậy, bà Lê Mỹ Nga hứa hẹn sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ cho HTX của chị Thương phát triển sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Là người ra deal (thỏa thuận) đầu tiên, Shark Nguyễn Hòa Bình bày tỏ hứng thú muốn cùng livestream với startup Vương Thị Thương để bán hồng treo gió. 

Ông Bình chia sẻ: “Tôi đánh giá cao giá trị sản phẩm, giá trị nhân văn, những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa đã nỗ lực đi được chặng đường rất dài từ con số 0. Trong bối cảnh thương mại điện tử trên biên giới, hàng tiêu dùng Trung Quốc giá rẻ xuống biên giới đang tràn ngập, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng ở Việt Nam rất khó tồn tại. Đặc biệt những sản phẩm như của bạn rất phù hợp với thế mạnh của bên tôi đó là D2C (Direct-to-Consumer – trực tiếp đến người tiêu dùng)”. 

Trên cơ sở nhận định đó, Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đầu tiên cho 20% cổ phần dựa trên giả định tài sản doanh nghiệp (sau khi bỏ ra phần đất) là 4 tỷ; 4 tỷ đồng còn lại là khoản vay ưu đãi sau khi đã được giải ngân 1 tỷ.

Gọi vốn cho loại quả đặc sản xứ Lạng, cô gái dân tộc Tày được Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng - Ảnh 3.

Sau khi trao đổi với chuyên gia, chị Vương Thị Thương đồng ý với đề nghị của Shark Bình và Shark Minh là đầu tư 2 tỷ đồng cho 33% cổ phần.

Cảm kích trước tâm huyết của Founder và giá trị nhân văn của sản phẩm, Shark Minh Beta cũng mong muốn được đồng đầu tư: “Ngày hôm nay bằng việc bạn ở đây, bạn đang truyền cảm hứng cho rất nhiều những người khác ở mọi vùng miền của Việt Nam nuôi dưỡng những ước mơ giống như bạn. Nhưng tôi nghĩ bên cạnh việc làm tốt sản xuất thì việc tạo ra nội dung là một bước cốt yếu”. 

Tự tin có lợi thế hỗ trợ về truyền thông, tạo nội dung cũng như xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Châu Âu nhưng đây cũng là một lĩnh vực khá mới so với khẩu vị đầu tư của Shark Minh Beta, vì vậy Chủ tịch Beta Group “xin phép được tham gia cùng với Shark Bình”. Mức đầu tư mà hai “cá mập” đưa ra là 2 tỷ đồng cho 33% cổ phần, 3 tỷ đồng là khoản vay ưu đãi.

Đánh giá “liên minh” giữa Shark Bình và Shark Minh Beta “là một deal vô cùng tuyệt vời” nên Shark Nguyễn Văn Thái (đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thái Hương) không đưa ra đề nghị đầu tư. Tuy vậy, ông Thái lại gửi tặng chị Thương một món quà bất ngờ, đó là sự hỗ trợ miễn phí về khoa học kỹ thuật, công nghệ bảo quản để sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau khi trao đổi với chuyên gia, chị Thương đồng ý với đề nghị của Shark Bình, Shark Minh Beta là đầu tư 2 tỷ đồng cho 33% cổ phần kèm điều kiện loại bỏ đất đai khỏi tài sản doanh nghiệp và khoản vay 3 tỷ có thời hạn 3 năm sẽ chuyển đổi thành cổ phần theo định giá thị trường hoặc CAP (định giá trần) là 20 tỷ đồng. 

Đến nay, HTX Nông sản Toàn Thương có 30 xã viên, 100 lao động gián tiếp, trong đó 80% là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, 10% lao động khuyết tật. HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ trồng hồng; 2 hộ nghèo được HTX cung cấp phân bón, giống cây trồng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm…

Hiện tại, sản phẩm hồng vành khuyên treo gió đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc và HTX đã có những bước đi ban đầu để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra, chị Thương đang nghiên cứu làm trà hồng từ vỏ quả hồng và tận dụng những quả hồng chín quá để làm rượu hồng. Nữ Giám đốc HTX cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp để thu hút khách du lịch đến địa bàn Văn Lãng trải nghiệm sản phẩm, thắng cảnh địa phương.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *