Chợ phiên không tiền mặt
Là một trong những hoạt động nổi bật tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao năm 2024 huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), “chợ phiên không tiền mặt” được tổ chức ở sân vận động trung tâm huyện (phố Me, thị trấn Me) thu hút khá đông người dân, du khách từ các nơi tìm về.
Tại phiên chợ, việc mua-bán diễn ra khá sôi nổi, tấp nập, hàng hóa được trao đến tay khách hàng. Đặc biệt, không trả bằng tiền mặt, dù những mặt hàng chỉ vài chục nghìn đồng, mà quét mã QR để thanh toán.
Anh Lê Ngọc (thành phố Ninh Bình) cho biết: “Tham gia Ngày hội Văn hóa-Thể thao năm 2024 huyện Gia Viễn tôi thấy hấp dẫn, đồng thời hoạt động “chợ phiên không tiền mặt” được thanh toán bằng quét mã QR nhanh chóng, tiện lợi”.
Được biết, tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), những năm qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện được đầu tư và phát triển, mạng viễn thông, mạng internet cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, huyện này còn đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm, phố trên địa bàn để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
Cụ thể, người dân được hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử.
Chị Hồng Liên (tỉnh Thanh Hóa) nói: “Tới chợ phiên tôi ấn tượng với sản phẩm nón lá Thịnh Vượng. Qua tìm hiểu, sản phẩm này nguyên liệu có sẵn của địa phương, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã vẽ lên những bức tranh với nhiều sắc màu đẹp mắt, hấp dẫn”.
Chuyển đổi số hướng đến cuộc sống tốt đẹp
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Một lãnh đạo huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) cho biết, thông qua chợ phiên nhằm hướng tới thực hiện hiệu quả mục tiêu phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số.
Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Với việc khuyến khích doanh nghiệp triển khai nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử. Một số xã có sản phẩm nông sản nổi bật, đặc sản được đưa lên sàn thương mại điện tử;…Qua đó, đã dần thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.
Leave a Reply