Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết: “Những bài văn ngô nghê có thể khiến người chấm bức xúc”
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho biết: “Mới đây, tôi cho học sinh viết bài so sánh hai truyện ngắn Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao. Tuy nhiên, chấm và chữa và phê khoảng gần nửa số bài thì hoang mang, sợ hãi, dừng lại!
Lần đầu tiên tôi nhận ra những bài văn ngô nghê có thể khiến người chấm bức xúc, những bài copy văn mẫu có thể khiến người chấm chán chường. Còn họ sẽ sợ hãi khi nhận ra mình đang chấm, chữa và phê sản phẩm AI – một tập hợp phi logic của những khái niệm na ná hàn lâm”.
Cô Tuyết lấy ví dụ bài viết của học sinh như: “Các nhân vật đều xuất phát khó khăn, nghèo nhưng điểm nổi bật ở đây là nội tâm nhân vật. Một nội tâm mang đầy suy ngẫm. Truyện đã làm rõ được đời sống con người lúc bấy giờ.(…) Dù là một Chí Phèo đáng sợ đến mấy nhưng cũng chỉ vì bát cháo hành đơn giản mà nhớ nhung. Hay một Lão Hạc nghèo đói đến mấy cũng nhịn để cho con tiền”.
“Với ngôn ngữ, Lão Hạc mang tính giản dị gần gũi với câu văn ngắn gọn, chân thực sinh động trong khi Chí Phèo thì ngược lại, tạo không khí hỗn loạn, căng thẳng. Sự khác nhau là chậm – nhanh, lâu dài – bùng nổ của Lão Hạc và Chí Phèo”.
“Ở trong truyện ngắn Chí Phèo, nhân vật Chí được khắc họa với những bi kịch liên tục xảy đến với anh, nó đủ để biến chuyển anh từ một chàng nông dân lương thiện trở thành hoá quỷ ở làng Vũ Đại. Song, sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, anh lại muốn hoá thiện một lần nữa và rồi lại chết trong nỗi uất ức, đau khổ…”.
Cô Tuyết chia sẻ thêm: “Cách đây nhiều năm về trước, tôi từng chia sẻ về tình trạng bất ổn của việc thi cử, cấu trúc, định dạng, tạo những thế hệ học trò làm bài theo tâm lý “trả bài” (chép lại lời thầy giảng, học thuộc, khi thi, trả lại lời thầy cho thầy, trả càng đủ, càng đúng bao nhiêu, điểm càng cao bấy nhiêu – sự “trả bài” triệt tiêu mọi sáng tạo và tư duy độc lập của người học). Từ thực tế ấy, tôi đã chia sẻ một cấu trúc đề thuần túy xuất phát từ quan niệm chủ quan với hai phần như sau:
a/ Phần Đọc hiểu: (4 điểm)
+ Xuất phát từ thực tế cuộc sống, chúng ta thường gặp vấn đề về đọc hiểu/ nghe hiểu/ xem hiểu… khi đọc một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, khi giao tiếp chuyện trò, khi xem một bộ phim, nghe một bài hát, ngắm một bức tranh… hơn là khi đọc các văn bản nghị luận hay thông tin. Chính vì thế tôi thường sử dụng một đoạn thơ/ văn xuôi/ một đoạn ca từ bài hát hơn là các văn bản nghị luận, văn bản thông tin… khi lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu trong đề.
Tất nhiên, đây chỉ là lựa chọn theo quan niệm chủ quan của riêng tôi.
+ Phần câu hỏi đọc hiểu sẽ gồm 4 câu hỏi theo 4 mức độ nhận thức, câu thứ 5 yêu cầu viết một đoạn văn Nghị luận văn học khoảng 200 chữ, kiểm tra năng lực đọc và viết, năng lực cảm thụ văn chương, năng lực thiết lập văn bản phân tích…
Trong cuộc sống thực tế, trừ các nhà nghiên cứu phê bình, còn hầu hết chúng ta chỉ thưởng thức một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật, nhận xét, thẩm bình một chi tiết bối cảnh, một lời thoại, một câu thơ, một tình huống truyện hay một tứ thơ hay nào đó, mấy ai dụng công viết một bài công phu tới vài trang giấy? Chính vì vậy, luyện kĩ năng viết những đoạn văn nghị luận văn học sẽ mang tính ứng dụng khá cao trong thực tế cuộc sống hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của con người thời hiện đại.
b/ Phần Luận: (6 điểm)
Đây là phần viết bài văn Nghị luận xã hội, là mảnh đất rộng để học sinh thời hiện đại có thể trực tiếp tham dự vào những vấn đề lớn lao của cuộc sống, có thể trực tiếp bộc lộ quan niệm, chính kiến, cách nghĩ, cách sống riêng của mình.
Một đoạn văn nghị luận xã hội như mô hình đề thi tốtnghiệp THPT từ năm 2017 tới 2024 chỉ yêu cầu học sinh bàn luận một khía cạnh nhỏ trong vấn đề lớn, khó giúp các em thể hiện được thấu đáo, thuyết phục và toàn diện cái tôi của mình trong các quan niệm xã hội.
Ngữ liệu cho phần luận này rất linh hoạt, có thể yêu cầu học sinh bàn luận về một tư tưởng, quan niệm, một hiện tượng xã hội, một xu hướng, phong trào, một biển báo trên đường hay cảnh vật trong một bức tranh… Câu lệnh tuyệt đối không gợi ý, không định hướng, không áp đặt, tạo khoảng trống hoàn toàn cho học sinh bày tỏ, thể hiện suy nghĩ, quan điểm riêng.
Trong đề thi từ 2024 về trước, đoạn văn Nghị luận xã hội nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu; bài nghị luận văn học yêu cầu nghị luận về một tác phẩm trong sách giáo khoa – như vậy, khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh có thể sử dụng một số nội dung trước đó các em đã suy nghĩ và trả lời trong phần Đọc hiểu; viết bài nghị luận văn học, các em có nền tảng là các tác phẩm đã quen thuộc trong chương trình. Đây là nguyên nhân đưa tới tình trạng nhàm chán của dạy và học nhiều năm nay, việc thay đổi là tất yếu nhưng cần có lộ trình phù hợp và quan trọng nhất là phải đảm bảo tính khả thi cho sự thực hiện các yêu cầu của đề”.
Hai đề xuất với đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2025
Từ đó, cô Tuyết có hai đề xuất với đề thi tốt nghiệp THPT 2025:
“Thứ nhất, việc sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là tất yếu để triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu nhưng khi văn hóa đọc của chúng ta chưa cao, cấu trúc, định dạng của đề thi rất cần lộ trình thích hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy…, vừa giảm áp lực cho học trò, vừa tăng tính khoa học, tạo mối liên hệ hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi.
Thứ hai, theo cấu trúc, định dạng đề minh họa được công bố từ tháng 12/2023, hiện đang tồn tại hai dạng câu nghị luận xã hội: nghị luận về một vấn đề xã hội độc lập và nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Để giảm bớt áp lực cho học trò, tạo tính liền mạch trong tư duy, tính liên kết của các thành tố trong một chỉnh thể của đề thi, xin đề xuất phương án trước mắt: Nên yêu cầu bàn luận về một vấn đề đã đặt ra trong văn bản đọc hiểu”.
Leave a Reply