Tháo gỡ nhiều nút thắt trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 91/2024/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2024.
Nghị định 91 nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật; đồng thời điều chỉnh một số quy định hiện hành để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm; góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp.
Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 91/NĐ-CP do Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 31/7, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chuyển loại rừng đặc dụng; về tiêu chí, trình tự thủ tục điều chỉnh phân khu chức năng của rừng đặc dụng.
Về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, Nghị định 91 quy định cụ thể nội dung, trình tự phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng; phân cấp thẩm quyền phê duyệt ở địa phương từ UBND cấp tỉnh bằng Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
Bổ sung quy định cụ thể hơn lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng về: nội dung, thủ tục, cách thức thực hiện, tính điểm. Chủ dự án thuê môi trường rừng không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích thuê môi trường;
Quy định cụ thể về quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng: Hướng tới quản lý rừng bền vững, có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định về quy mô, tỷ lệ phần trăm được phép xây dựng công trình trong các loại rừng và từng phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng; đồng bộ với quy định pháp luật về đất đai và xây dựng trong cấp phép xây dựng.
Nghị định đã quy định cụ thể, đầy đủ về trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng , thu hồi rừng, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để tháo gỡ được vướng mắc của NĐ 156/2018/NĐ-CP là thống nhất, đồng bộ với trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất.
Về chuyển loại rừng, Nghị định quy định đối tượng phải thực hiện xây dựng phương án chuyển loại rừng là các cơ quan, đơn vị tthuôc cơ quan nhà nước thay cho chủ rừng, cụ thể: UBND cấp huyện xây dựng phương án chuyển loại rừng đối với diện tích rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã quản lý; Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án chuyển loại rừng đối với diện tích rừng của chủ rừng là tổ chức, khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập thuộc UBND cấp tỉnh quản lý; Vườn quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án chuyển loại rừng được giao quản lý; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 75 ngày làm việc xuống còn 50 ngày đối với trường hợp do địa phương phê duyệt; từ 45 ngày làm việc xuống còn 30 ngày đối với trường hợp do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
Về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) sang mục đích khác, thẩm quyền quyết định chủ trương CMĐSDR chỉ còn 1 cấp là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (không còn cấp Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; HĐND quyết định chủ trương CMĐSDR gồm cả rừng tự nhiện và rừng trồng; không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau); quy định rõ tiêu chí dự án được CMĐSDR tự nhiên và đã được mở rộng hơn về đối tượng.
Về dịch vụ môi trường rừng, Nghị định 91 bổ sung quy định về điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đối với diện tích rừng có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ bình quân của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên.
Kích hoạt những giá trị tiềm ẩn của rừng
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị, việc tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp luôn được 2 cục chuyên ngành là Lâm nghiệp, Kiểm lâm coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ NNPTNT đã tham mưu và được Chính phủ ban hành 4 Nghị định về lâm nghiệp. “Pháp luật lâm nghiệp, trong đó có Nghị định 91, có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nhiều nội dung khó. Dù vậy, toàn khối lâm nghiệp vẫn dành nhiều trí tuệ, công sức để các văn bản quy phạm pháp luật bám sát cuộc sống”, Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, để quản lý và khai thác đúng mục đích, hiệu quả 15,85 triệu ha đất lâm nghiệp; trong đó trên 14,8 triệu ha có rừng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban thành 65 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này; trong đó có 1 luật, 16 nghị định… và kỳ vọng Nghị định 91 sẽ sớm giải quyết được các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp trong lâm nghiệp, để lâm nghiệp đóng góp nhiều hơn trong phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.
Đại diện các địa phương đều chung nhận định, Nghị định 91 giúp họ đỡ lúng túng khi áp ban hành các chính sách lâm nghiệp. “Trước khi Nghị định ban hành, có khi chỉ tác động 1, 2 ha, hoặc có một trụ điện trong khu rừng phòng hộ nhưng chúng tôi vẫn lúng túng vì không đủ cơ sở pháp lý”, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ Đỗ Ngọc Đoàn bộc bạch.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu nhận xét, Nghị định 91 quy định tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thì không phải thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng sẽ giúp thu hút hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, những vấn đề liên quan đến lâm nghiệp luôn được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều câu hỏi về chế độ hỗ trợ cho lực lượng giữ rừng, bảo vệ rừng hay các chính sách đầu tư, phát triển du lịch sinh thái đã được gửi đến ông.
“Nghị định 91 ban hành kịp thời giống như một nút thắt đã được cởi, đồng thời tạo ra những tư duy mới, kích hoạt những giá trị mới từ rừng”, Bộ trưởng nói.
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, Nghị định 91 không chỉ có nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, bất cập của Nghị định 156, mà còn là để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng quan tâm hơn, thấy rừng đẹp hơn. Đồng thời, ngày càng có nhiều người hơn tìm đến rừng, phát triển đa dạng các hoạt động như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng dược liệu dưới tán rừng để sinh khí của rừng tăng thêm.
Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm tăng cường “tiếp thị” văn bản quy phạm pháp luật này, thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân biết đến Nghị định 91 nhiều hơn. Dù những nội dung, quy định trong Nghị định có thể chưa tối ưu hết, chưa phủ được hết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, nhưng ít nhất những vấn đề nóng về dịch vụ môi trường rừng, trình tự, thủ tục chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, giao rừng, cho thuê rừng… đã được chi tiết hóa, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho địa phương sử dụng, quản lý tài nguyên rừng.
Leave a Reply