Chiều 25/7, người dân xếp hàng, chậm rãi hướng về nơi tổ chức lễ tang Tổng Bí thư tại xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), khi qua ngôi nhà số 9 (thôn Lại Đà) đều không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ trung niên mang theo di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng con trai đứng khóc nghẹn ngào phía bên ngoài bờ tường rào xây bằng gạch tổ ong.
“Hôm nay là sinh nhật Jae Won (tên con trai của chị-PV), tôi bảo: “Mẹ tặng cho con là món quà với tấm lòng biết ơn, bác (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-PV), hôm nay Quốc tang nên không có sinh nhật nhé con trai, chúng ta cùng đến làng Lại Đà để đưa bác về nhìn lại ngôi nhà của mình”, người phụ nữ nói chia sẻ với PV.
Chị là Nguyễn Phương Lan (SN 1974, ở Hà Đông, TP. Hà Nội). Cậu con trai của chị, cháu Han Jae Won (người Việt lai Hàn). Chị Lan kết hôn với người chồng Hàn Quốc, nhưng hiện tại chồng chị đã về nước, bỏ hai mẹ con chị ở lại Việt Nam.
Số phận trớ trêu hơn nữa, người phụ nữ 50 tuổi này đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo – ung thư, đã 7 năm nay. Chị bày tỏ, với niềm kính trọng, thương tiếc bác Nguyễn Phú Trọng, mẹ con chị tìm đường sang Lại Đà để thỏa nguyện ước được dâng nén hương viếng Tổng Bí thư.
“Từ khi nghe tin bác Trọng mất, ngày nào tôi cũng mua lễ, thắp hương bác. Sáng nay tội dậy từ 4 giờ để ra Lăng Bác tham dự lễ Thượng cờ. Vì bệnh tình hiểm nghèo, tôi không thể đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để viếng bác được nên mẹ con tôi về Lại Đà để viếng”, chị Lan chia sẻ.
Lặng người, không kìm được nước mắt, hai mẹ con chị Lan chậm rãi nhích từng bước rồi đứng sát bức tường đá tổ ong nhuốm màu thời gian, hướng di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phía ngôi nhà số 9 khóc lời ly biệt: “Bác Trọng ơi, đây là ngôi nhà của bác. Con mang ảnh của bác về đây, để bác ngắm nhìn ngôi nhà của mình!”.
Cố gắng trấn tĩnh, chị Lan bảo: “Tôi đọc báo, xem tivi, biết được ngôi nhà của bác Trọng ở làng Lại Đà nên quyết tâm sang đây bằng được. Tôi không ngờ rằng, một vị lãnh đạo cao cấp như bác Trọng, cả đời cống hiến vì nước vì dân, cuộc sống của bác lại giản dị, đơn sơ đến thế”.
Không riêng trường hợp mẹ con chị Lan, rất nhiều người dân từ khắp các miền tổ quốc không quản đường sá xa xôi, không quản tuổi cao, sức yếu… quyết tâm về tận Lại Đà. Qua ngôi nhà số 9 có bức tường đá ong, ai cũng ngước nhìn với sự kính trọng.
Anh Đỗ Văn Chi (53 tuổi), đi xe máy từ Hưng Yên lên Hà Nội lúc 2 giờ sáng. Đến nơi vẫn chưa thấy có người nên anh tìm tới UBND xã Đông Hội với mong muốn được sắp xếp cho ghép đoàn vào viếng. “Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hết mực yêu thương nhân dân. Nếu hôm nay không được vào viếng Tổng Bí thư, tôi sẽ đợi đến ngày mai”, anh Chi tỏ long thành kính.
Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, việc tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà thôn Lại Đà là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của chính quyền và người dân địa phương. Ngay sau khi có Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền và người dân nơi đây đã gấp rút chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện phục vụ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đúng nghi thức Lễ Quốc tang, đảm bảo trang trọng nhất, chu đáo nhất và đúng quy định, thể hiện sự thành kính, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quê hương Đông Anh đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay.
Leave a Reply