Xã Phúc Thọ nợ tiền đền bù 48 hộ dân
Từ đó, UBND xã Phúc Thọ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá, đấu giá đất xong xuôi nhưng nợ nông dân dai dẳng nhiều tháng trong khi người nông dân không còn đất sản xuất, rất trông chờ vào khoản tiền đền bù, phóng viên Dân Việt gặp gỡ thêm nhiều nông dân, làm việc với Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc.
Điều bất ngờ nhất là không chỉ có các hộ nông dân tại xóm 2 xã Phúc Thọ được vận động ký vào “biên bản khất nợ” mà nhiều hộ nông dân tại các xóm khác như xóm 10, xóm 6 cũng được vận động và ký vào biên bản khất nợ tương tự như các hộ nông dân ở xóm 2 xã Phúc Thọ để UBND xã Phúc Thọ lập các dự án quy hoạch xây dựng chia lô đất ở dân cư trên địa bàn xã. Tổng số các hộ dân bị nợ tiền đền bù là 48 hộ.
Nông dân Trần Thị Khương (sinh năm 1946, xóm 10, Phúc Thọ) rưng rưng kể với phóng viên Dân Việt: “Tôi nhớ cuối năm 2022, cán bộ xã, xóm xuống tận nhà đưa cho tôi xem một tờ biên bản khất nợ. Họ nói tất cả các hộ đều ký để nhận tiền đền bù rồi, bà ký đi để có 106 triệu đồng tiền đền bù đất sản xuất nông nghiệp, tôi tin xã nên ký. Vừa rồi, chúng tôi có hỏi Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ Nguyễn Bá Tùng, ông Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ Nguyễn Bá Tùng hứa chắc chắn rằng chậm nhất tháng 7/2024 sẽ trả tiền đền bù cho dân chúng tôi nhưng chờ mãi không thấy”.
Bà Trần Thị Thương nói tiếp: “Tôi rất tin tưởng Nhà nước nên tin tưởng xã. Khi nghe ông Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ nói vậy, tôi cũng cứ chờ hết lần này tới lần khác. Tôi năm nay gần 80 tuổi. Các con tôi công việc không ổn định, thu nhập thấp. Con dâu tôi mỗi tháng đi làm công nhân may tại nhà máy gần nhà lương mỗi tháng chỉ 3,7 triệu đồng. Vì các con lương quá thấp, tôi phải hỗ trợ cho 3 đứa cháu ăn, học.
Nhà tôi là nhà cấp 4, cứ mưa là xà nhà rơi xuống dưới nền. Lâu nay, tôi không dám cho các cháu của tôi ngủ trong nhà. Nếu UBND xã trả tiền cho tôi đúng hạn hẹn, tôi đã có tiền để sửa lại nhà và chúng tôi đỡ vất vả, đỡ bức xúc đi nhiều”.
Còn ông Nguyễn Quốc Thanh (xóm 10, Phúc Thọ) kể: “Tôi là một trong số hộ không đồng ý ký vào biên bản của UBND xã nên họ tới tận nhà tôi thuyết phục tôi cứ ký vào để nhận 80 triệu đồng tiền đền bù cho diện tích 1 sào đất ruộng mà tôi từng trồng lúa, lạc, khoai, vừng. Nhưng từ khi ký vào biên bản đó tới tận giờ, tôi đã nhận được đồng nào tiền đền bù nào đâu.
Ông Nguyễn Bá Tùng – Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ hứa hạn chót tới tháng 7 sẽ có tiền đền bù nhưng giờ là tháng 9, khoản tiền đền bù đó vẫn “bóng chim tăm cá”. Cháu tôi đỗ đại học, ra Hà Nội nhập học, cả nhà trông chờ vào khoản tiền đền bù đó nhưng giờ đã có đâu”.
Ông Nguyễn Văn Linh (xóm 10, xã Phúc Thọ) nói: “Hôm xã, xóm đưa giấy xuống vận động gia đình ký, tôi không ở nhà nên họ bảo vợ tôi cứ ký vào biên bản đó. Giờ, đất sản xuất nông nghiệp của gia đình đã bị thu hồi, đấu giá xong cho những cá nhân mua đất để xây nhà. Chúng tôi vừa không còn đất sản xuất, vừa chưa có tiền đền bù”.
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc: “Xã Phúc Thọ làm không đúng”
Tiếp, làm việc với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói “Tôi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc. Đọc bài báo của Dân Việt về trường hợp này của xã Phúc Thọ, cho thấy nội dung bản chất mọi việc cũng rất rõ rồi.
Theo quy định của pháp luật, thu hồi đất để thực hiện dự án hay đấu giá đều phải thực hiện bồi thường cho người dân được giao quyền sử dụng đất đó. Đúng ra, xã Phúc Thọ phải lập phương án bồi thường trả cho dân mới thu hồi đất, đấu giá. Còn trường hợp này, UBND xã Phúc Thọ chưa có tiền trả, lãnh đạo xã Phúc Thọ lại cho làm cái văn bản khất nợ mà thể thức văn bản khất nợ này của một cơ quan quản lý hành chính nhà nước (UBND xã Phúc Thọ) lại không phù hợp, không đúng.
Yêu cầu, nguyện vọng của người dân được chi trả đền bù bồi thường là hoàn toàn chính đáng. Cho nên, ngay sau khi báo điện tử Dân Việt thông tin, tôi đã chỉ đạo anh em các phòng ban chuyên môn tham mưu có phương án xử lý ngay”.
“UBND huyện đã họp xong, UBND huyện đã trình Hội đồng nhân dân huyện Nghi Lộc thông qua để chi trả cho người dân. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã nhất trí phân bổ nguồn chi trả cho người dân. Tới đây, trong buổi làm việc với các xã trên địa bàn huyện, huyện sẽ quán triệt, nhắc nhở các xã không được để xảy ra tình trạng tương tự như tại xã Phúc Thọ” – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm vào ngày 30/8.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói thêm: “UBND huyện Nghi Lộc cảm ơn báo điện tử Dân Việt đã thông tin khách quan về sự việc. Quan điểm của huyện Nghi Lộc là những thông tin, phản ánh của báo, huyện tiếp nhận, lắng nghe và chỉ đạo xử lý đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Chúng tôi cảm ơn báo điện tử Dân Việt”.
Các hộ nông dân ở trên trình bày sự việc với Dân Việt.
Trong quá trình tác nghiệp, phản ánh, viết bài, phóng viên báo điện tử Dân Việt đã thông tin tới Bí thư Huyện ủy huyện Nghi Lộc Dương Đình Chỉnh, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc Dương Đình Chỉnh nhanh chóng trả lời, yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm của huyện Nghi Lộc phải kịp thời phối hợp, phản hồi sớm với phóng viên Văn phòng đại diện Bắc Miền Trung (Báo Dân Việt).
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Leave a Reply