Khi “vâng lời” thành bệnh kinh niên

Đa số thường nghĩ người dạy là các thầy và cô giáo. Chúng ta quên rằng, các bậc phụ huynh chính là người dạy chúng ta từ khi lọt lòng đến mãi sau này, kể cả khi đã trưởng thành, thậm chí cả sau khi trưởng thành.

Lâu nay chúng ta nặng về một nền giáo dục cung cấp kiến thức, chứ không quan tâm tới sự phát triển cá tính của từng con người. Người dạy thường có xu hướng “bắt” người học phải “thuộc bài”. Đương nhiên, người dạy đánh giá kết quả học tập, kể cả căn cứ khen thưởng người học giỏi, đều dựa vào việc chấm điểm “thuộc bài”. Bản thân tôi cũng từng bị thầy chấm không đạt, buộc thi lại vì không làm bài theo tiêu chí “thuộc bài”, dù đáp án cuối cùng đúng!

Thầy cô chỉ nghĩ đến chuyện dạy học, nhồi nhét cho học sinh với tất cả kiến thức có trong một cuốn sách giáo khoa. Người học phải chịu áp lực của điểm số, của học tập, thậm chí bị mắng và thường bị nhìn nhận dưới góc độ điểm số. Có nghĩa khi, các em học giỏi và các em học chưa tốt chưa được các thầy cô tôn trọng như nhau.

Hệ lụy của căn bệnh truyền thống này là người dạy, kể cả thầy cô và phụ huynh, đều coi tiêu chí “vâng lời” là yếu tố chính để chấm điểm hạnh kiểm của người học. Trong các cuốn học bạ của học sinh từ lâu nay, hầu như câu đầu tiên bao giờ cũng là: Ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt. Như vậy vô hình chung người ta đào tạo những học sinh theo cách đó và ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt chính là “đầu ra” của học sinh.

Khi

Tác giả bài viết, luật gia – nhà báo Phan Văn Tân. Ảnh: DV

Người học chịu sức ép về điểm số thi cử đến từ hai phía: Thầy cô và phụ huynh. “Thuộc bài” là nhiệm vụ thường trực, thôi thúc người học – học giỏi đương nhiên là người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này. Lâu dần nó trở thành thói quen, tiềm thức, khiến người học giỏi trở nên là người luôn chỉ biết “vâng lời” – không còn dám nghĩ đến sáng tạo.

Người thành công cần nhiều kỹ năng, mà học tập chỉ là một phần trong vô vàn kỹ năng đó. Chúng ta cứ coi kết quả việc học tập là tất cả nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bệnh “vâng lời” khiến người học nhiễm thói quen tuân thủ, chỉ biết chấp hành, nên ít khả năng tư duy sáng tạo, đổi mới.

Việc ngoan ngoãn, vâng lời không có gì sai, nhưng nó phần nào thể hiện chúng ta đang đào tạo ra những con người chỉ biết phục tùng, nghe theo. Trong khi đó, mục tiêu hiện nay của thời đại xã hội chủ nghĩa thời 4.0, rất cần các em phải năng động, tự chủ và sáng tạo trong tiếp thu kiến thức.

Cứ thế, “vâng lời” tự lúc nào đã trở thành căn bệnh kinh niên khi nhiễm vào cả hai: Người dạy và người học. Đó là căn bệnh trầm kha, và nó khó có thể làm thay đổi cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Khi đã nhiễm căn bệnh này và lâu dần sẽ hình thành ý thức bị phụ thuộc, thụ động ở mỗi cá nhân.

Vậy phải làm sao để chữa trị căn bệnh này, muốn người học mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhà trường phải là nơi đem đến cả hạnh phúc cho học sinh chứ không chỉ là điểm số?

Muốn xây dựng trường học hạnh phúc, cái khó nhất là thay đổi quan niệm của các thầy cô giáo và các nhà quản lý trước hết là về mục tiêu, không phải là chỉ ngoan, vâng lời mà phải đào tạo các em là những người biết tự chủ, năng động, sáng tạo, biết phản biện và phải cho phép các em thể hiện bản thân.

Khó nhưng nhất thiết phải vượt qua được quan niệm này, vì một thế hệ tương lai đủ tầm cỡ để vượt qua thách thức của thời đại công nghiệp 4.0. Điều này đòi hỏi thầy cô và phụ huynh phải cùng hợp tác, đồng hành để hướng tới một xã hội có nhiều người thành công – tài giỏi và có tư chất sáng tạo, phát triển – có khả năng làm thay đổi thế giới.

Các thầy cô và phụ huynh cùng hợp tác để giúp các em học sinh dần dần hình thành các tố chất sau: Sự ổn định cảm xúc và phát triển tình cảm; Tính chủ động, đủ khả năng tự suy nghĩ cẩn trọng, rồi tự hành động; Năng lực thích ứng và tính xã hội; Khả năng tự trau dồi tri thức và phát triển năng lực trí tuệ.

Khi thầy cô và phụ huynh đồng hành, hợp sức tác động để người học hình thành các tố chất trên và phát triển cân bằng, những người học dù học giỏi hay không đã đi theo đúng trật tự của quá trình phát triển và có nhiều khả năng thành công trong cuộc sống.

Khi

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Nhìn rộng ra ngoài xã hội, khi một đứa trẻ mà bị nhiễm “bệnh vâng lời” từ trên ghế nhà trường, sau này khi trở thành một công dân xã hội, có khả năng cũng sẽ trở thành một công chức chỉ biết “vâng lời”, “phục tùng” cấp trên bất kể hoàn cảnh, điều kiện…

Điều này không chỉ triệt tiêu sự sáng tạo của chính người đó mà còn không tốt cho sự phát triển của tổ chức, cho cơ quan, đơn vị… khi nơi đó thiếu đi những phản biện cần thiết, cũng chính là động lực cho sự phát triển.

Còn nhớ, trong bài phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội, đúc kết bằng khái niệm “7 dám” gồm: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Nội hàm của khái niệm “7 dám” chính là cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, sáng tạo, đổi mới của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới… vì mục tiêu và lợi ích chung.

Vâng lời không phải là xấu, nhưng khi “vâng lời” trở thành “bệnh kinh niên”, lâu ngày nó sẽ tạo ra những con người sợ đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với thách thức, khó khăn để tìm tòi, thúc đẩy sự phát triển, tiến lên trước.

Một xã hội phát triển, một quốc gia vững mạnh cần những bộ óc sáng tạo, những ý tưởng năng động, những khát vọng không ngừng… chứ không phải là những người luôn chỉ thụ động “vâng lời”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *