Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Cần thiết phải có trại giam riêng cho người chưa thành niên
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quá trình thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí dự thảo luật về bố trí trại giam riêng dành cho người chưa thành niên. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp và đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý thấy rằng, nếu quy định trại giam riêng dành cho người chưa thành niên thì trước mắt có thể sẽ khó khăn về nguồn lực bảo đảm.
Do đó, các cơ quan đều thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định cả 2 mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.
Nêu quan điểm về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nếu có đủ điều kiện làm trại giam riêng cho người chưa thành niên thì “tốt quá”, bởi thực tế khi vào trại giam, dù cơ quan chức năng có biện pháp quản lý vẫn không thể ngăn được chuyện có “anh hai, anh ba” hăm dọa.
Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ quy định theo hướng 2 mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam, song ông nhấn mạnh cần khuyến khích có trại giam riêng, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, từng thời điểm.
Giải trình thêm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban đầu, TAND đề xuất trại giam dành riêng cho người chưa thành niên, nhưng sau đó Bộ Công an cho biết với cơ sở, điều kiện hiện nay, chưa thể có trại giam riêng ngay. Nếu muốn có trại giam riêng thì phải đầu tư, và đó là lý do dự án luật quy định cả 2 mô hình.
Cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trẻ em kể cả trong trại giam vẫn cần sự thăm nom, chăm sóc và nhất là cần sự giáo dục của gia đình khi đến thăm. Những người đến thăm không chỉ mang đồ tiếp tế mà mang cả tình cảm, những lời khuyên. Đó là điều rất cần cho quá trình cải tạo.
Do đó, nếu người nhà từ Cà Mau mà ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng cho người chưa thành niên để thăm thì rất khó khăn cho người dân. Việc này sẽ hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam.
“Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án thì việc có trại giam riêng rất tốt, nhưng đối với những nơi không có điều kiện thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam chung”, ông Bình phân tích.
Lý do cần tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội
Liên quan đến việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết vẫn có ý kiến khác nhau. Quá trình chỉnh lý, các cơ quan thống nhất phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp vẫn có 2 loại ý kiến với vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời đề nghị giao Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án.
Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, để tạo sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.
Làm rõ thêm các phương án này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh “không tách không được”. Bởi nếu để chung vào một vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành), luật này không có nghĩa, khó đảm bảo chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.
Ông dẫn chứng, để giải quyết vụ án với người chưa thành niên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên. Nếu để trong vụ án chung không thể phân công đầy đủ thành viên HĐXX hay VKS tham gia, hoặc tham gia nhưng không hiểu tâm lý các cháu, theo ông Bình.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề bảo mật, để vào vụ án chung, vụ án phải xét xử công khai, không được xét xử kín, bản án phải được công khai, như vậy tất cả hành vi sai lầm của người chưa thành niên đều bị công khai hết. Điều này, theo ông Bình, sẽ gây mặc cảm, ảnh hưởng đến con đường hoàn lương còn lại rất dài của các cháu. “Các cháu sẽ luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội”, ông Bình nhận định.
Ông Bình cho hay, quá trình thảo luận, 56 ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý việc tách án, 7 ý kiến không đồng ý. Cùng đó, tại thông báo kết luận hồi tháng 4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đồng ý việc tách án, đề nghị phải lập luận tốt.
“Chúng tôi tuân thủ điều này. Luật của nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy. Khi chúng tôi làm luật này, chúng tôi tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế, họ nói không tách án không được”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Leave a Reply