Vì vậy lực lượng này đang được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả.
Đồng hành cùng nông dân tổ chức lại sản xuất
Tháng 3/2022, Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định phê duyệt đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Đề án được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực với mục tiêu nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ). Sau 2 năm thực hiện, cả nước đã thành lập được 5.036 tổ KNCĐ với 45.588 thành viên, tại 57 tỉnh/thành phố.
Trong đó, 13 tỉnh tham gia đề án có 26 tổ thí điểm (156 thành viên); 1.071 tổ mở rộng với 9.622 thành viên. Các tỉnh có số lượng tổ KNCĐ lớn như: Long An (159 tổ); Tiền Giang (142 tổ); An Giang (125 tổ)… Các tỉnh ngoài đề án thành lập 3.939 tổ (35.810 thành viên). Một số tỉnh thành lập số lượng lớn: Quảng Nam (826 tổ); Hà Tĩnh (160 tổ); Hải Phòng (139 tổ); Yên Bái (150 tổ)…
Trong quá trình triển khai đề án, hệ thống lực lượng KNCĐ đã xác định được vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đó là hành cùng nông dân, giúp tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ tổ chức tại Gia Lai mới đây, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: KNCĐ là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng đầu vào và đầu ra. Khuyến nông ngày nay không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn thực hiện sứ mệnh đó là kết nối thị trường, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác và người nông dân có hiệu quả.
Từ năm 2021, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, theo đó hoạt động khuyến nông cũng có những thay đổi tích cực, chuyển dịch từ hỗ trợ sản xuất sang dịch vụ.
Tổ KNCĐ đã luôn đồng hành cùng tham gia vào chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo dựng chuỗi liên kết, tạo dấu ấn trong việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đó là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng lúa gạo ĐBCL, vùng cà phê Tây Nguyên, vùng trồng rừng gỗ lớn tại miền Trung.
Để khuyến nông hoàn thành được sứ mệnh kết nối cộng đồng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thời gian tới khuyến nông cần đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông cơ sở, đặc biệt là trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, tham quan học tập kinh nghiệm tại nước ngoài.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương hoàn thiện bộ quy chế mẫu về hoạt động tổ KNCĐ và xây dựng các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu phục vụ hoạt động KNCĐ, ưu tiên các tài liệu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ KNCĐ, tạo điều kiện về môi trường làm việc trang thiết bị để hoạt động. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với KNCĐ trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị.
Hoàn thiện quy trình chuẩn cho tổ KNCĐ
Góp ý vào quá trình thực hiện đề án, đại diện các địa phương thẳng thắn chỉ ra những khó khăn mà hệ thống KNCĐ đang gặp phải.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hải Phòng cho biết, tổ KNCĐ là mô hình mới nên việc triển khai còn lúng túng, trang thiết bị còn thiếu thốn. Tổ KNCĐ ra đời trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 và xung đột giữa các nước, hệ thống khuyến nông một số nơi bị đứt gãy, sáp nhập, khiến việc triển khai các hoạt động của tổ này gặp nhiều khó khăn.
Mô hình tổ KNCĐ ra đời trên cơ sở các thành viên tham gia chủ yếu là lãnh đạo xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đại diện doanh nghiệp… nên họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Khó khăn lớn nữa, đó là tổ KNCĐ không có con dấu pháp nhân nên không thể ký kết hợp đồng tư vấn, thuê dịch vụ của doanh nghiệp, HTX, dẫn đến nguồn thu từ các hoạt động còn ít.
Trước 2 vấn đề đang đặt ra là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo quy hoạch và tập trung thực hiện các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần có đề án thử nghiệm mang tính đột phá cho ngành, đó là phát triển thí điểm các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đề án nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn khuyến nông cơ sở từ các tổ KNCĐ.
“Thời gian qua KNCĐ đã tổ chức thành công một số chuỗi sản xuất thông qua liên kết HTX và doanh nghiệp, đây là kết quả ban đầu để chúng ta tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới” – Thứ trưởng Nam nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn một cách có hệ thống với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân.
Do vậy, Bộ trưởng Hoan đề nghị các bên liên quan cần xác định được vai trò của mình để có sự chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng thực hiện tốt đề án. Trong đó, Ban chỉ đạo đề án cần hoàn thiện quy trình chuẩn cho tổ KNCĐ để nhân rộng ra những địa phương khác với những ngành hàng khác, từng bước đồng bộ việc hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước; định kỳ đánh giá kết quả đạt được, dự báo các rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy thị trường, có sự liên kết, hợp tác, đầu tư với HTX, nông dân.
Leave a Reply