Rau sắng hay cây rau ngót rừng ở Việt Nam còn được coi như là một loại cây dược liệu bởi nó chứa một lượng lớn các axit amin không thể thay thế, có vai trò rất lớn trong quá trình sinh tổng hợp protein của cơ thể, có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Rau sắng là loại cây trồng có giá trị sử dụng và kinh tế cao, hiện nay rau sắng chủ yếu là khai thác tự nhiên nên có nguy cơ bị suy giảm.
Số cây rau sắng-rau ngót rừng còn lại trong tự nhiên không nhiều, có nguy cơ bị đe dọa mất giống.
Cây rau ngót rừng phân bố tự nhiên trong rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình….
Rau sắng ở Phú Thọ phân bố rất nhiều ở Vườn Quốc Gia Xuân Sơn).
Tại Hà Nội, vùng chùa Hương, hay ở Hà Nam vùng Kim Bảng, cây rau sắng thường mọc ở những vùng núi đá vôi.
Rau sắng là cây lâm sản ngoài gỗ, thân gỗ nhỏ, cây cao 5-7m, đường kính thân 15-25cm, thân còn non có màu xanh lục, khi già có màu trắng mốc.
Từ một loại cây thân gỗ mọc hoang dại ở sườn đồi, khe núi, ven suối, nay cây rau ngót rừng-cây rau sắng ăn ngọt như mì chính đang được người dân ở nhiều địa phương của Việt Nam trồng và khai thác như một loại rau đặc sản, bán đắt tiền, ăn bổ dưỡng…
Lá rau sắng đơn, mép nguyên gân có 7-9 đôi nổi rõ ở mặt dưới lá, lá dài 8-12cm, rộng 3-6cm mọc so le trên cành mềm; mặt trên lá có màu xanh thẫm, lá dày nhẵn và giòn. Rau sắng có hai loài là loài rau sắng thân gỗ và loài rau sắng dây leo, rau sắng thân gỗ có giá trị hơn.
Rau sắng ưa trồng ở ven núi đá, ven suối hoặc trong các hốc đá, nhiệt độ trung bình từ 22-240C, lượng mưa từ 2.000-2.500mm và độ ẩm không khí bình quân trên 84%.
Rau ngót rừng là loại cây ưa đất ẩm, sống bằng mùn đất do lá cây mục tạo ra, thường mọc dưới tán lá của những loài cây khác.
Ưa đất từ thịt nhẹ đến thịt trung bình và cần hơi ẩm nhưng thoát nước tốt, cây rau sắng thích hợp với đất đồi có khả năng thoát nước cao. Rau sắng thường trồng dưới tán rừng, phù hợp nhất là núi đá vôi.
Có thể trồng rau ngót rừng thuần, trồng phân tán hay trồng ở dạng mô hình nông lâm kết hợp. Giai đoạn mới trồng chú ý tạo độ che bóng cho cây, cần duy trì độ che bóng khoảng 30%.
Tốt nhất là trồng rau ngót rừng dưới tán của những cây khác có độ che bóng khoảng 30%. Sau 2-3 năm thì giảm dần, đến năm thứ 4-5 thì có thể mở tán hoàn toàn cho cây trồng.
Việc trồng rau sắng không những nâng cao thu nhập mà còn góp phần tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Có hai phương pháp nhân giống rau sắng là nhân giống hữu tính từ hạt và nhân giống vô tính bằng cành bánh tẻ, hiện nay phương pháp chính là nhân giống từ hạt vì đơn giản dễ thực hiện.
Quả rau ngót rừng chín vào tháng 6-8, quả giống quả nhót, quả non có màu xanh bạc, khi chín quả có màu vàng tươi.
Quả rau sắng thu về phải ủ thêm vài ngày cho chín đều, sau đó chà sát và rửa sạch hết lớp thịt bên ngoài để thu lấy hạt.
Là cây thân gỗ, khác với các loại rau ngắn ngày mang tính thời vụ, cây rau ngót rừng-rau sắng phải 3 năm sau khi trồng mới có lá non, đọt non để thu hoạch. Nhưng bù loại, thứ rau bột ngọt này lại có chu kỳ khai thác hàng chục năm mà không phải trồng cây mới.
Hạt rau ngót rừng thu về nên gieo ngay, nếu muốn giữ lại thì phải bảo quản trong cát ẩm và giữ ở nơi râm mát, thoáng khí, có mái che.
Rửa sạch hạt sau đó đem hong trong bóng râm (nếu thời tiết nắng phơi 1 ngày nếu trời râm mát phơi 2- 3 ngày).
Sau đó ủ hạt trong cát sạch, cần giữ ẩm cát từ 40-50% (nếu khô quá thì hạt khó nảy mầm, nếu ẩm quá thì hạt dễ bị thối), cát phải phủ kín hạt dày ít nhất là 0,5cm.
Thời gian ủ hạt từ 15-20 ngày là hạt nảy mầm, khi hạt nảy mầm gieo vào bầu đất. Sau gần một năm, cây cao trên 20cm thì có thể đưa đi trồng.
Trồng rau sắng sau 3 năm mới có thu hoạch lá, đọt non, cây càng lớn lượng rau thu hoạch càng nhiều. Rau sắng là cây thân gỗ lâu năm, nên trồng một lần sẽ cho thu hoạch trong nhiều năm.
Cây rau ngót rừng rụng lá vào mùa đông, mùa xuân ấm áp, thân cây bắt đầu mọc ra những chồi non, bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên, nên hái rau khi còn non nếu để quá lứa rau sẽ già ăn không ngon.
Cây rau sắng thường cho thu hoạch 7 đến 10 lứa một năm, khai thác nhiều lần trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8. Mùa thu hoạch chính của rau sắng là mùa xuân.
Khi thu hái rau ngót rừng, dùng kéo sắc cắt những cành non, không được tuốt hoặc bẻ cành ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây và ra đợt chồi tiếp theo. Không nên khai thác quá nhiều cây sẽ còi cọc sinh trưởng phát triển kém, thường khoảng trên dưới một tháng sau là có thể thu hoạch tiếp đợt mới.
Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng có kế hoạch trồng thử nghiệm cây rau sắng (trồng rau ngót rừng), nhằm đánh giá khả năng thích nghi của cây với điều kiện khi hậu, thổ nhưỡng tại Lâm Đồng.
Việc triển khai thành công mô hình cây rau sắng sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình, nhằm giới thiệu cây rau đặc sản có giá trị kinh tế cho người dân.
Trồng rau sắng sẽ góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đối với người dân sống gần rừng, góp phần giảm áp lực tác động vào rừng.
Leave a Reply