Đi tìm những làng quê đáng sống
Với nhiều người, đáng sống là khi quê hương xanh – sạch – đẹp, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ đi kèm như cuộc sống ở thành phố. Ý kiến khác lại cho rằng, “đáng sống” là khi nhà cửa khang trang, đường giao thông thuận lợi, ô tô vào tới tận ngõ. Nhưng cũng có những ý kiến “phản biện”: Tất cả những giá trị vật chất chưa đủ để làm nên một làng quê đáng sống, mà quan trọng hơn: đời sống tinh thần của người dân có phong phú, đủ đầy hay không?.
Tôi có người em họ rời làng vào miền Nam làm việc từ hơn chục năm trước. Lúc đó em họ tôi mới ngoài 20 tuổi, mỗi năm cậu chỉ về làng một lần vào dịp Tết, thậm chí vài năm mới về một lần và chưa bao giờ có ý định quay lại quê hương sinh sống, dù cha mẹ, anh chị đã nhiều lần khuyên bảo.
Bẵng đi vài năm không nói chuyện, một ngày cậu em tôi nhắn tin: “Tháng sau em về chị ạ. Lần này là về hẳn”. Lý do mà cậu em tôi đưa ra trước quyết định trên chỉ đơn giản là “đi nhiều rồi mới thấy không đâu bằng quê mình”. Mà đúng là quê tôi giờ đã thay đổi nhiều lắm. 5-7 năm trước tôi về mỗi lần giỗ chạp, muốn mua chai nước ngọt hay lon bia phải chạy xe ra cửa hàng tạp hóa đầu làng. Còn đang nấu ăn mà hết nước mắm, dầu ăn hay cần loại gia vị gì thì phải lên tận chợ huyện, cách nhà 4-5km. Giờ thì nhấc máy alo là có người ship tận cửa, chẳng khác gì thành phố.
Quay trở lại câu chuyện của em họ tôi, sau khi về làng nhờ có bằng lái máy ủi, máy xúc mà cậu làm không hết việc. Các doanh nghiệp xây dựng ở địa phương giờ có nhu cầu rất lớn với thợ lành nghề nên cậu em tôi thành “hàng hot” nhờ kinh nghiệm lâu năm.
Hai vợ chồng người làm xây dựng, người làm công nhân, mỗi tháng trừ chi tiêu cũng dành ra được chục triệu làm vốn.
Mợ tôi trước cũng chỉ làm ruộng, sau xin được vào làm công nhân của nhà máy chế biến sắn (khoai mì) cách nhà 7km. Cứ sáng đi tối về, giờ giấc như “cán bộ nhà nước” mà thu nhập lại gấp 2-3 lần làm nông. Năm ngoái có mối công việc ở thành phố, lương gấp rưỡi nhưng mợ tôi vẫn nhất quyết ở lại làng.
“Ở quê bây giờ dịch vụ cũng đủ cả, nước sạch đến tận nhà, đường phẳng lỳ, đi làm mất có 30 phút. Xuống thành phố lương thêm được mấy đồng nhưng phải thuê nhà, ở tạm bợ, ăn uống cũng lọ mọ một mình thì tội gì mà đi” – mợ tôi phân trần.
Những người như mợ tôi, em tôi giờ không hiếm. Thay vì kiếm thật nhiều tiền bằng mọi cách, họ chọn ở lại làng quê, tiền có thể ít hơn nhưng được gần cha mẹ họ hàng, được sống với những điều gắn bó, quen thuộc và hơn hết chứng kiến quê hương thay da đổi thịt mỗi ngày.
Thực ra khái niệm về những “làng quê đáng sống” không hề mới, Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ mục tiêu phát triển tam nông hiện nay theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và xây dựng NTM là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu này.
Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chương trình xây dựng NTM mang lại bởi chưa chương trình nào tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, vừa đề cao cách làm sáng tạo của chính quyền cơ sở, vừa khơi dậy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân như chương trình NTM. Đã có nhiều câu chuyện đầy cảm xúc về những gương điển hình trong xây dựng NTM ở các địa phương, như việc người dân tự nguyện hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho quê hương mình.
Cũng từ đây, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã từng bước được rút ngắn. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng nông thôn, củng cố, nâng chất các tiêu chí, các địa phương còn tích cực hỗ trợ người dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để nâng cao thu nhập.
Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; triển khai chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng – vật nuôi.
Nông dân giờ không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “ăn bữa nay lo bữa mai” nữa mà đã biết lên sàn thương mại điện tử, mua bán nông sản cũng như “chốt đơn” ầm ầm, thậm chí còn vươn ra khỏi biên giới quốc gia, giao dịch với khách nước ngoài chỉ bằng cú “chạm, vuốt” trên điện thoại thông minh.
Không còn quanh quẩn với lũy tre làng, người quê đi muôn nơi mưu sinh, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán. Và, cũng trong tiến trình đô thị hóa, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mở ra, đem lại việc làm, thu nhập và thay đổi diện mạo làng quê mới chỉn chu, khang trang hơn.
Tuy nhiên, mặt trái của đô thị hóa cũng gây ra không ít hệ lụy – đó là việc phai nhạt những bản sắc văn hóa; tệ nạn xã hội thâm nhập qua lũy tre làng, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi len lỏi vào ngóc ngách các làng quê, khiến nhiều gia đình khốn khó.
Ở một số nơi, nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí đã biến mất. Chính những hạn chế này đã “nổ” ra nhiều ý kiến “tranh cãi” về khái niệm đáng sống ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
Khi nói về những kinh nghiệm để gìn giữ nét quê giữa tốc độ phát triển đô thị hóa ở nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Cần tránh tạo xung đột giữa thành thị và nông thôn, không nên “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn. Cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Nông thôn mới chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng”.
Không ít người cho rằng “người quê” đang mất dần “chất quê”. Nền kinh tế thị trường khiến người ta quên đi những nét văn hoá gốc trong mỗi làng. Vẫn biết, phát triển kinh tế thì ở đâu cũng phải làm, vì kinh tế là yếu tố căn bản bảo đảm cuộc sống. Song, gìn giữ hồn quê, phát huy những giá trị nhân văn trong xây dựng nông thôn mới thì không phải địa phương nào cũng làm được.
Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng các nhà văn hóa mà chưa quan tâm nhiều đến phát huy những giá trị, thiết chế văn hóa của mỗi làng. Do vậy để giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa thì những điều tưởng là nhỏ nhặt như nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt… cũng cần có sự dung hòa, thay đổi. Văn hóa các làng quê không thể như một bản sao, nơi nào cũng giống nơi nào mà mỗi nơi mỗi vẻ, phù hợp với phong tục tập quán bao đời của người dân.
Rõ ràng, để làng quê trở thành điểm đến của nhiều cư dân phố thị và là nơi trở về của những người con xa quê cần rất nhiều giải pháp, nhưng căn cốt nhất vẫn là giữ xóm, giữ làng và giữ được văn hóa làng. Văn hóa là giá trị vô hình, người ta nhiều khi khó có thể tính toán, định lượng, cân đong, đo đếm qua các bộ tiêu chí, mà là sự cảm nhận bằng máu thịt, bằng tình yêu với làng, với quê hương.
Lưu giữ phát triển văn hóa làng chính là để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thông, vừa có thể phát triển du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, vừa là xây dựng kiến tạo miền quê đáng sống.
Làng quê đáng sống phải là nơi ở đó lớp trẻ được học tập trong môi trường tốt nhất, người già được hưởng các phúc lợi xã hội, người trẻ có việc làm, có thu nhập ổn định.
Làng quê không chỉ là chốn đi về của một lớp người, mà là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, xây dựng những thế hệ kế cận giữ làng, giữ nước, giữ cuộc sống thanh bình, giữ phong tục tập quán, nề nếp làng quê bao đời.
Và cuối cùng, đích đến của nông thôn không phải là vươn cho bằng kịp thành phố, phát triển thông minh, hiện đại hóa như ở phố; mà chính là bảo tồn, nâng tầm giá trị văn hóa, giữ lại cốt cách của làng quê, giữ được tâm tính “người nhà quê” như bao đời nay vẫn thế.
Leave a Reply