Ngoài 26 tổ KNCĐ thí điểm với 156 thành viên, tại 13 tỉnh tham gia đề án đã thành lập thêm 1.071 tổ KNCĐ mở rộng, với tổng số 9.622 thành viên.
Đặc biệt, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cả nước đã có thêm 44 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ KNCĐ với tổng số khoảng 4.070 tổ, có 37.394 thành viên hoạt động phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Kết nối chuỗi liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tới đây hoạt động KNCĐ sẽ hướng tới các mục tiêu: Tiếp tục nhân rộng trên địa bàn 15 tỉnh mở rộng, trong đó ưu tiên các tỉnh tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Nâng cao năng lực cho các tổ KNCĐ đã thành lập. Tăng cường trang thiết bị cho các tổ KNCĐ hoạt động. Các tỉnh trong vùng đề án ban hành được quy chế hoạt động, tiêu chí đánh giá hoạt động và các chính sách khuyến nông hỗ trợ phát triển tổ KNCĐ.
Là 1 trong 2 tổ KNCĐ cấp tỉnh ở Kon Tum, 2 năm nay Tổ KNCĐ xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nông dân trồng cà phê trên địa bàn. Ông Đới Văn Cương – Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Hà Mòn cho biết, hiện tổ có 6 thành viên, gồm các cán bộ khuyến nông tỉnh, cán bộ khuyến nông huyện, các hộ nông dân và giám đốc các hợp tác xã trong vùng sản xuất cà phê huyện Đăk Hà.
Thành công lớn nhất của tổ là đã kết nối được với Công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai trồng cà phê thông minh ở 2 huyện Đăk Hà và Đăk Tô; hỗ trợ Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng gần 600ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C của 460 hộ dân trong năm 2023 và đang tiếp tục hỗ trợ mở rộng trong năm 2024. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng được Tổ hỗ trợ ký kết thỏa thuận hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C với 840 hộ nông dân ở Kon Tum.
Trước đó, Tổ KNCĐ xã Hà Mòn đã tổ chức được 22 lớp tập huấn cho 840 lượt hộ nông dân tham gia, với nội dung tập huấn chủ yếu là hướng dẫn cho bà con canh tác cà phê đạt chuẩn 4C, tập huấn về chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Thụ (ở thôn Bình Minh, xã Hà Mòn), cho biết, gia đình ông có 1,5ha trồng cà phê nhận hỗ trợ từ Tổ KNCĐ. Từ năm 2024 đến nay, ông đã nhận được hơn 2 tấn phân bón Bình Điền, được các thành viên của tổ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bẻ chồi, bẻ cành để cây phát triển tốt.
“Mặc dù tôi đã làm cà phê từ lâu, nhưng có những kiến thức mới, quy trình mới mà khi các kỹ sư chia sẻ, tư vấn mới biết. Vườn cà phê thực hiện đúng theo hướng dẫn sẽ rất tốt. Năm trước tôi thu được 20 tấn cà phê tươi từ 1,5ha. Năm nay với sự hỗ trợ sâu sát của Tổ KNCĐ và phân bón, chắc chắn vụ nàysẽ cho năng suất vượt trội” – ông Thụ vui vẻ nói.
Tương tự, các mô hình tổ KNCĐ tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang được kì vọng sẽ đem lại “làn gió mới” cho hoạt động khuyến nông tại địa phương. Ngoài 2 Tổ KNCĐ thí điểm, tỉnh này đã thành lập thêm 115 Tổ KNCĐ mở rộng, với tổng số 1.358 thành viên, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Sự linh hoạt và gần gũi của tổ KNCĐ đã giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đang trồng 1,8ha lúa, lão nông Lê Văn Minh (ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) cho biết, từ khi có tổ KNCĐ, nông dân địa phương đã biết cách trồng lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, vừa bớt chi phí vừa giúp cây lúa khỏe hơn, năng suất tăng lên rõ rệt.
Cầu nối giữa nông dân – doanh nghiệp
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong quá trình triển khai đề án, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng KNCĐ đã xác định được vai trò nòng cốt của mình, đó là đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, các tổ KNCĐ thuộc vùng đề án đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, HTX tổ chức trên 100 lớp tập huấn phát triển vùng nguyên liệu. Hướng dẫn người dân thực hiện 14 dự án khuyến nông với 500ha vùng nguyên liệu lúa gạo, 300ha vùng nguyên liệu cây ăn quả, 150ha vùng nguyên liệu cà phê, 200ha vùng nguyên liệu gỗ lớn.
Các thành viên tổ KNCĐ còn là cầu nối giúp bà con vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc kết nối tiêu thụ 5 tấn dứa, 100 tấn chanh leo; giúp 257 hộ vùng trồng cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 120ha sầu riêng; giúp bà con ở Tây Nguyên bao tiêu sản phẩm cà phê 4C, hữu cơ. Tổ chức 46 cuộc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 2.126 nông dân vùng nguyên liệu lúa gạo; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng rừng trồng gỗ lớn trên diện tích 300ha…
Nói về vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông nói chung và KNCĐ nói riêng; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” không phải là khẩu hiệu mà là hành động, là nghĩa vụ, là sứ mạng. Đây là thời điểm đội ngũ khuyến nông thể hiện vai trò là bạn nhà nông, cùng nhà nông, vì nhà nông. Cuộc cách mạng mới diễn ra trên đồng ruộng, nhưng thành công chỉ đến khi và chỉ khi năng lực của người nông dân được nâng lên. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống, trong đó khuyến nông và KNCĐ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng”.
Leave a Reply