Hơn 70 năm trước, phường Hưng Dũng (lúc đó gọi là xã Yên Dũng Thượng) được mệnh danh Làng Đỏ bởi nơi đây có phong trào yêu nước, cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ. Các tổ chức quần chúng “đỏ” như Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ, Phụ nữ cứu quốc, Hội ái hữu, Hội tương tế… hoạt động sôi nổi, khí thế hào hùng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng tại những địa danh nổi tiếng ở trong xã và lân cận như núi Quyết, sông Lam, Trường Thi, Bến Thủy, Đình Trung… Làng Đỏ ngày ấy cũng là nơi Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm căn cứ hoạt động gây dựng phong trào. Làng Đỏ là nơi khởi đầu của nhiều cuộc mít tinh, biểu tình liên tục nổ ra chống áp bức, đòi giảm sưu, giảm thuế, cấp ruộng đất công.
Một trong những phong trào và sự kiện tiêu biểu ở Làng Đỏ là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Từ sáng tinh mơ, hàng ngàn người dân Yên Dũng Thượng tập trung xuống đường hòa vào dòng người đông đảo từ các ngả cùng kéo vào Vinh biểu tình. Một cán bộ Nông hội đỏ làng Yên Dũng Thượng, là người đầu tiên xông lên cướp súng trường từ trong tay giám binh và đập xuống đường gãy nát khi tên này dùng súng ngăn chặn những người biểu tình. Cuộc biểu tình được khẳng định là sự kiện mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, công nhân, nông dân và binh lính bắt tay nhau cùng đấu tranh.
Tháng 9/1930, cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn nông dân và công nhân nhà máy diêm tham gia đã diễn ra tại Đình Trung, bắt bọn hào lý trả lại ruộng đất công và hàng ngàn quan tiền để chia cho dân nghèo. Sau cuộc đấu tranh, Chi bộ Đảng Yên Dũng Thượng và tổ chức Nông hội đỏ đã lãnh đạo nhân dân cử ra đại biểu để quản lý mọi công việc trong toàn xã, từ đây “Xô Viết nông dân” được thành lập.
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám và những năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Dũng luôn xứng đáng với cái tên gọi vẻ vang Làng Đỏ. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truyền thống Làng Đỏ càng được phát huy mạnh mẽ. Làng Đỏ ở vị trí “chiến lược”: gần cảng Bến Thủy, phà Bến Thủy, gần kho xăng lớn, nhà máy ép dầu thực vật; có cơ quan đầu não của tỉnh, của thành phố chuyển đến; là nơi tập kết trú quân của nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trên đường vào tuyến trong… cho nên Hưng Dũng là trọng điểm đánh phá số một của Mỹ. Lực lượng dân quân tự vệ Hưng Dũng được củng cố, đội dân quân trực chiến được thành lập, trang bị 3 khẩu 12 ly 7. Lực lượng này thường xuyên góp lửa cùng tự vệ dân quân thành phố, các trận địa cao xạ, tên lửa để bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ các đoàn tàu hỏa, tàu thuyền vận tải trên sông Lam, bến phà, bến cảng.
Ngoài trực chiến, lực lượng dân quân cùng nhân dân trong xã, các xã lân cận bên sông Lam san lấp hàng ngàn m3 đất đá, đào hàng trăm âu cho tàu thuyền vào trú ẩn; tháo gỡ, rà phá, kích nổ hàng ngàn quả bom nổ chậm, bom từ trường, thủy lôi. Dân quân Làng Đỏ lập “Đội Thép” 13 người sang phục vụ bờ Nam phà Bến Thủy suốt thời gian địch đánh phá ác liệt.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Làng Đỏ, phường Hưng Dũng hôm nay đã chuyển mình trở thành một phần quan trọng trong đô thị loại I, với những con đường khang trang, những căn nhà cao tầng mọc lên san sát, phố phường tấp nập…
Hưng Dũng bây giờ là một trong những phường trung tâm của TP.Vinh, cơ sở vật chất, hạ tầng không ngừng được xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ cuộc sống nhân dân. Địa bàn phường có 2 trường đại học, nhiều bệnh viện lớn; có 8 trường từ mầm non đến THCS, trong đó 5 trường công lập đều đã đạt chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh- Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, chia sẻ: Hiện, toàn phường có hơn 25.000 nhân khẩu, mức thu nhập bình quân của người dân thuộc diện khá so với mặt bằng chung của thành phố. Về văn hóa – xã hội, những di tích lịch sử như Dăm Mụ Nuôi – nơi thành lập chi bộ Đảng, Đình Trung – nơi họp bàn đưa ra những chủ trương, quyết sách quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ, ghi dấu bao sự kiện lịch sử của Làng Đỏ, đều được tôn tạo, tu bổ khang trang. “Hưng Dũng ngày nay là vùng đất đáng sống, xứng đáng với truyền thống hào hùng của Làng Đỏ năm xưa” – ông Khánh nói.
Leave a Reply