Chiều nay 13/7, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương nâng công suất mỏ đá cung cấp cho dự án các cao tốc vùng ĐBSCL.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, tổng nhu cầu của các dự án cao tốc vùng ĐBSCL đối với đá dăm là khoảng 5,5 triệu m3.
Trong đó, dự án Cần Thơ – Cà Mau 2,2 triệu m3, dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng 2,2 triệu m3, dự án Cao Lãnh – An Hữu 0,22 triệu m3, dự án Mỹ An – Cao Lãnh 0,57 triệu m3, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận 0,25 triệu m3.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói thêm, đối với dự án Cần Thơ – Cà Mau, từ nay đến 31/12/2024 phải tập kết đủ đá về công trường, tuy nhiên, trong khu vực ĐBSCL nguồn đá có trữ lượng lớn cũng như có điều kiện vận chuyển thuận lợi nhất là nguồn đá tại mỏ Antraco, thuộc tỉnh An Giang.
Hiện công suất khai thác hàng năm theo giấy phép khoảng 1,5 triệu m3 nhưng giấy phép khai thác mỏ Antraco đã hết hạn từ tháng 6/2024. Trước tình hình này, các nhà thầu đã chủ động khảo sát và dự kiến sử dụng các mỏ đá từ các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Để đảm bảo nguồn vật liệu đá, cần phải nâng công suất 50% từ các mỏ theo cơ chế đặc thù và chỉ cấp cho các dự án này” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.
Để các dự án cao tốc ở ĐBSCL đảm bảo tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh An Giang cho gia hạn thời gian khai thác và nâng công suất (50%) mỏ đá Antraco theo cơ chế đặc thù, hoàn thành trong tháng 7/2024 và ưu tiên cung ứng cho Dự án Cần Thơ – Cà Mau.
Đối với các tỉnh trong khu vực có nguồn vật liệu đá như Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, phải phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) rà soát nâng công suất 50% theo cơ chế đặc thù để ưu tiên cấp cho các dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục. Đối với các cơ quan chủ quản các dự án chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có nguồn vật liệu đá để triển khai các thủ tục, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ thi công.
Giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm, gồm dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận.
Đến nay, công tác triển khai thi công các dự án cơ bản chưa đáp ứng kế hoạch do còn thiếu hụt nguồn vật liệu. Trong đó, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho các dự án khoảng 55,5 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã ưu tiên toàn bộ các mỏ trên địa bàn để cung ứng cho các dự án với tổng trữ lượng khoảng 43 triệu m3 (bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển), còn thiếu khoảng 18 triệu m3.
Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các nhà thầu gia hạn thời gian khai thác và nâng công suất mỏ để cung ứng cho các dự án cao tốc.
Leave a Reply