“Bà đỡ” của nông dân
Trong xu thế phát triển kinh tế hội nhập, kinh tế tập thể ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Quế Sơn. Chính vì vậy, UBND huyện luôn quan tâm và có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã duy trì hoạt động, từng bước phát triển và đi vào nề nếp. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con nông dân, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Sơn có 40 hợp tác xã, trong đó có 2 hợp tác xã mới thành lập. Là địa phương thuần nông, Quế Sơn có 33 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp, cây lương thực kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm…”.
Cũng theo ông Châu, hoạt động của các Hợp tác xã Nông nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển, từng bước khẳng định hợp tác xã là vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn.
Nhiều hợp tác xã làm đầu mối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đưa các giống cây, con vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Ông Bùi Khắc Sơn – Giám đốc Hợp tác xã An Xuân Sơn (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hợp tác xã phát huy tốt vai trò “bà đỡ” giúp người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hợp tác xã đều gặp khó khăn về vốn, nguồn lực, chưa thu hút được cán bộ có trình độ cao…. Do đó, vẫn cần sự tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, nhất là nguồn vốn để các hợp tác xã có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Liên kết sản xuất đem lại hiệu quả lớn
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Thăng Bình hàng năm đều tăng, quy mô, lĩnh vực hoạt động được mở rộng và làm ăn hiệu quả.
Ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình cho hay: “Một số hợp tác xã được củng cố, đổi mới, mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình và không ngừng nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Đồng thời hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)”.
Đến nay, huyện Thăng Bình có 64 hợp tác xã và khoảng 100 tổ hợp tác liên kết sản xuất trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi. Nổi bật trong đó là hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, đây là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam thực hiện tích tụ ruộng đất với diện tích 85ha (số liệu tính đến cuối năm 2022).
Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào đã phát huy vai trò “bà đỡ” của nông dân, hỗ trợ, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Không những hoạt động hiệu quả, đơn vị còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương và 30 lao động thời vụ với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Võ Tấn Sanh – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, hợp tác xã đã mở rộng đa dạng các dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Từ đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả điển hình như: sản xuất lúa gạo chất lượng cao ST24, ST25, nếp Hương Lân; mô hình thâm canh cây mè – lạc thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống…. Các dự án liên kết đã góp phần tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân và hợp tác xã từ 1,3-1,5 lần.
Với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã một cách bền vững, thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã. Đặc biệt chú trọng phát triển các hợp tác xã sản suất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế và Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, địa phương lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập về đất đai, thuế, tín dụng… cho hợp tác xã; hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao….
Leave a Reply