46 năm thăng trầm với nghề chăn nuôi
Không khó để chúng tôi tìm đường đến trang trại của ông Sơn, bởi người dân trong vùng ai cũng đều biết đến lão nông nổi tiếng vừa làm kinh tế giỏi vừa nhân hậu này.
Giữa cái nắng nóng gay gắt, ông Sơn dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi mà cả đời ông tâm huyết. Ông Sơn cho biết: “Tôi vốn là một kỹ sư chăn nuôi thú y công tác tại Hợp tác xã Tiền Phong, sau khi hợp tác xã giải thể tôi quyết định phát triển mô hình chăn nuôi để thỏa niềm đam mê của bản thân.
Để có được trang trại hoạt động lớn như hôm nay, tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp đã luôn tạo điều kiện tốt, gia đình và bạn bè đã ủng hộ, giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn, gặt hái nhiều thành công”.
Trang trại chăn nuôi và bán vật tư thú y của ông Nguyễn Đức Sơn.
Điện Thọ là vùng đất phù sa màu mỡ với những đồng cỏ bạt ngàn xanh mướt, nhận biết lợi thế đó, ông Sơn lặn lội tìm đến nhiều trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn để học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Từ đó, ông dốc hết vốn liếng và vay mượn hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi bò.
Với sự say mê học hỏi và kiến thức tích lũy được, đàn bò của ông mau lớn và cho năng suất cao, dần đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ nguồn thu này, ông tiếp tục đầu tư nhân đàn bò lên hàng chục con. Cùng với đó, ông nuôi thêm gà, lợn để đa dạng mô hình kinh tế.
Từ thành công của mô hình nuôi bò, ông Sơn mạnh dạn đầu tư nuôi thêm đàn gà, lợn với số lượng hàng nghìn con. Ảnh: T.N.
Ông Sơn cho hay, trước sự tác động mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi thì nhiều người đã phải bỏ nghề. Bản thân ông cũng có những thời điểm tưởng chừng không thể trụ vững được. Song với lòng quyết tâm, niềm đam mê gắn bó với nghề, ông đã dần vượt qua khó khăn, tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Hiện nay, trên diện tích trang trại gần 2ha, bình quân mỗi năm ông chăn nuôi khoảng 300 con lợn (trong đó có 50 lợn nái, 30 lợn đực giống), 50 con bò và 5.000 con gà.
Nhờ nắm vững đặc tính sinh học từng loài vật, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc từ chế độ ăn, môi trường sống nên đàn vật nuôi đều phát triển tốt. Từ đó đem lại cho gia đình ông Sơn doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ước lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Cung cấp hơn 72.000 liều tinh lợn/năm
Bên cạnh hoạt động chăn nuôi, ông Sơn còn kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như: sản xuất tinh lợn; thuốc thú y, thức ăn gia súc, vật tư chăn nuôi; sản xuất và dịch vụ con giống gia súc, gia cầm.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất tinh lợn được ông nghiên cứu, thực hiện từ năm 1978 đến nay. Trang trại của ông từng là một trong những điểm lớn của cả nước chuyên cung cấp tinh lợn đực chất lượng cao. Đây cũng là lĩnh vực mà ông tâm đắc nhất, nhiều năm nỗ lực nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng con giống và giúp thuận tiện hơn cho người chăn nuôi.
Ông Sơn chia sẻ: “Trước đây, người chăn nuôi thường sử dụng biện pháp phối giống tự nhiên giữa lợn nái và lợn đực khá phức tạp. Với sự tiến bộ của kỹ thuật chăn nuôi, các phương pháp thụ tinh nhân tạo cho lợn ra đời, đáp ứng sự phát triển của ngành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trung bình mỗi năm, Cơ sở lợn giống Tiền Phong sản xuất hơn 72.000 liều tinh lợn, cung cấp cho cửa hàng thú y ở các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Mỗi năm trại chỉ ngừng cung cấp tinh vào 3 ngày Tết, còn 362 ngày còn lại đều duy trì sản xuất, giúp người chăn nuôi lợn nái dễ dàng và thuận tiện hơn trong công tác phối giống đạt chuẩn, tăng khả năng thụ thai, chất lượng con giống…”.
Trung bình lợn giống có trọng lượng từ 2-3 tạ/con, tiêu tốn từ 3-4kg thức ăn/con/ngày. Việc cung cấp khẩu phần ăn cân đối và phù hợp là yếu tố rất quan trọng đối với lợn đực giống trong thời kỳ khai thác. Cùng với đó, lợn đực giống chỉ được khai thác trong 3 năm là loại thải, thay bằng con giống mới có năng suất cao hơn để tránh ảnh hưởng đến con lai đời sau.
Quy trình sản xuất tinh lợn ở phòng riêng, rất nghiêm ngặt nhằm cho ra đời những con giống khỏe mạnh. Ảnh: T.N.
Hiện nay, cơ sở của ông Sơn có 3 giống đực loại tốt để cung cấp cho thị trường gồm giống Landrace, Duroc và Dupi với những ưu điểm vượt trội như: ngoại hình đẹp, thuần chủng; tỷ lệ nạc cao, khỏe và mau lớn; thụ tinh sẽ không bị trùng huyết, cận huyết.
Tận tụy phục vụ bà con nông dân
Với quy mô trang trại lớn mạnh, ông Sơn tạo việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.
Hơn 23 năm làm việc tại đây, bà Huỳnh Thị Phượng (55 tuổi) tâm sự: “Được ông Sơn tạo điều kiện và cầm tay chỉ việc, mà nhiều năm qua tôi có công việc ổn định với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng tùy theo năng suất. Nhờ đó, tôi nuôi 2 con ăn học nên người, phụng dưỡng mẹ già và chất lượng đời sống cũng dần được nâng lên”.
Từ thành công của mình, ông Sơn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để mọi người học hỏi, tận tụy giúp đỡ bà con nông dân vượt khó, làm giàu từ chăn nuôi và nông nghiệp. Đồng thời, ông tham gia nhiều lớp giảng dạy kỹ thuật, tập huấn, đào tạo nghề cho các cán bộ thú y cơ sở, hội viên nông dân, người dân ở nhiều tỉnh thành.
Nhiều năm trước, đàn bò của trang trại ông Sơn được dùng để cung cấp cho các địa phương, các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông thôn của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới…. Ngoài ra, ông đã có đóng góp rất lớn trong công tác an sinh xã hội, cùng với chính quyền địa phương ra sức vận động các gia đình xây dựng đường bê tông nông thôn, trồng cây; tham gia và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ phong trào khuyến học, từ thiện tại địa phương qua nhiều năm.
Nhờ những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, nhiều lần ông Sơn vinh dự nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương; huy hiệu Chiến sỹ thi đua Hội Nông dân Việt Nam, huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam; bằng khen Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chăn nuôi của tỉnh Quảng Nam, bằng khen Chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Nam….
Ông Sơn bày tỏ: “Các con tôi nay đã trưởng thành, công việc ổn định, nhiều lần khuyên cha hãy nghỉ ngơi. Nhưng đối với tôi, đây là công việc tâm huyết cả đời, nó đem lại cho tôi niềm vui vì cảm thấy mình đang giúp ích cho bà con nông dân quê hương, giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế. Vì thế, cứ còn sức khỏe, còn được mọi người yêu quý và ủng hộ, thì tôi sẽ tiếp tục gắn bó”.
Ông Nguyễn Chánh Thiện – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: “Từ việc khai thác tốt thế mạnh về đất đai, sức lao động nông thôn dồi dào, nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Sơn đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững và có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội.
Mô hình kinh tế của ông là động lực để người dân, hội viên trên địa bàn học tập, thi đua phát triển kinh tế. Ông Sơn trở thành 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đó là niềm tự hào của nông dân thị xã Điện Bàn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung”.
Leave a Reply