Độc đáo loại bánh xì chúm ngày rằm tháng 7 của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, “xì chúm” là tiếng dân tộc, chỉ một chiếc bánh đầy đặn, to tròn, căng bóng. Đây là loại bánh thường được người dân tộc Tày, Nùng (đặc biệt là người dân ở các huyện Văn Quan, Bình Gia) làm vào ngày rằm tháng 7.
Để tìm hiểu về cách làm bánh “xì chúm”, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Linh Thị Huệ, phố Đức Tâm, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, người đã gắn bó với nghề làm bánh nhiều năm nay. Bà Huệ cho biết: Bánh “xì chúm” gắn liền với tuổi thơ của tôi. Khi còn nhỏ, tôi đã thấy các bà, các mẹ làm bánh “xì chúm” vào dịp lễ, tết và tôi cũng đã học được cách làm loại bánh độc đáo này từ đó.
Nguyên liệu chính để làm loại bánh này gồm: gạo nếp, lạc, muối… Đây đều là những loại nguyên liệu gần gũi, thân thuộc nhưng để làm ra những chiếc bánh có hương vị thơm ngon đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo, tỉ mẩn và công thức làm bánh riêng.
Trước kia, tôi chỉ làm bánh “xì chúm” vào rằm tháng 7 nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhận thấy sự ưa chuộng của khách hàng với loại bánh này, tôi đã làm bánh để bán vào các ngày chợ phiên. Trung bình mỗi phiên chợ, tôi bán được khoảng 450 chiếc bánh, với giá bán 5.000 đồng/2 chiếc.
Để làm được những chiếc bánh thơm ngon, có độ mềm dẻo, việc lựa chọn gạo rất quan trọng. Theo đó, gạo được dùng để làm bánh là gạo nếp vụ Chiêm, hạt gạo có độ chắc mẩy, to, tròn. Gạo nếp được ngâm với nước từ 7 đến 8 tiếng, sau đó, mang đi xay nhuyễn thành bột nước và cho vào túi vải xô để mang đi ép.
Sau khi bột gạo nếp đã khô, người làm trộn bột với nước muối pha loãng để tạo gia vị cho bánh. Trong quá trình trộn, người làm bánh cần cho một lượng nước vừa phải, để phần bột không bị nhão rồi nhào nặn để hai nguyên liệu hòa trộn với nhau.
Bánh “xì chúm” là loại bánh mặn nên phần nhân có thể là lạc, đỗ xanh hoặc thịt lợn xay, tùy vào khẩu vị của từng người. Tuy nhiên, người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng thường làm bánh với 2 loại nhân là lạc và thịt lợn.
Theo đó, nếu nhân bánh là lạc, người làm sẽ rang lạc từ 30 đến 45 phút trên lửa nhỏ, đến khi lạc tỏa mùi thơm và chuyển màu vàng cánh gián, sau đó để nguội, mang đi giã và trộn thêm bột canh. Còn nếu là nhân thịt lợn, người làm bánh sẽ xay nhuyễn và xào chín cùng các gia vị như hành, hạt tiêu…
Sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn, người làm bánh sử dụng bột để nặn thành hình vỏ sò, cho nhân vào giữa và vo tròn lại. Khác với các loại bánh như bánh gai, bánh chuối…, bánh “xì chúm” không dùng lá chuối gói xung quanh mà chỉ dùng khay hoặc một chiếc lá (lá chuối hoặc lá dong) đặt ở bên dưới, bôi một chút mỡ lợn và đặt bánh lên rồi mang đi hấp chín.
Để bánh đạt đến độ thơm ngon nhất, người làm hấp bánh trong 18 đến 20 phút với lửa nhỏ, liu riu, nếu hấp bánh quá lâu hoặc hấp với lửa quá to bánh sẽ bị phồng, ăn bị cứng không giữ được độ mềm, dẻo. Sau khi hấp chín, bánh được quệt thêm 1 chút mỡ lợn lên mặt trên để tạo độ căng bóng, hấp dẫn cho bánh.
Không chỉ người dân ở Văn Quan mà các tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh, vào những ngày sát rằm tháng 7, nhiều gia đình cũng tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để làm “xì chúm”.
Bà Lâm Thị Em, thôn Pác Luống, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chia sẻ: “Xì chúm” là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của gia đình tôi vào ngày rằm tháng 7. Vì thế, hằng năm, cứ vào khoảng ngày 12, 13/7 âm lịch, gia đình tôi lại quây quần bên nhau làm bánh “xì chúm”.
Với quan niệm của người dân chúng tôi, chiếc bánh “xì chúm” có màu trắng của gạo, căng bóng, to tròn khi được bày lên bàn thờ tổ tiên không chỉ thể hiện sự mong cầu về một năm mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy, gia đạo được bình yên, hạnh phúc mà còn thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên.
Chẳng cần những nguyên liệu cầu kì, phức tạp mà bằng những nguyên liệu bình dị, mộc mạc nhất, người dân đã tạo ra loại bánh thơm ngon, mang đậm hương vị của quê hương. Và có lẽ chính cái hương vị thân thuộc, giản dị ấy đã tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng vào mỗi dịp rằm tháng 7, đồng thời phần nào thể hiện được sự phong phú trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi biên ải.
Leave a Reply