Nhiều nông dân trên địa bàn xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công trên nền đất lúa với mô hình trồng mai nu (mai chiếu thủy, mai nu khỉ) chiết cành, mai nu tạo hình, trong đó tiêu biểu là anh Huỳnh Văn Toàn- sinh năm 1978, người dân ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.
Với 1,2 ha đất trồng mai nu, hơn 10 năm nay, anh Toàn đã bỏ hết công sức ra gầy dựng thành vườn mai nu gần một ngàn gốc có giá trị kinh tế cao, hơn 30 cặp kiểng cổ mai nu chiếu thủy đã thành hình dáng mẫu tử.
Xuất phát từ niềm đam mê kiểng cổ của người cha ruột truyền lại cho mình, nhận thấy cây mai nu chiếu thủy nhất là giống mai nu mặt khỉ, mai nu trung xiêm rất phù hợp với điều kiện của vùng đất xã Thạnh Nhựt.
Ngoài ra, tại ấp Thạnh Lạc Đông xã Thạnh Nhựt còn được xem là cái nôi của kiểng cổ mai nu, nên anh Toàn đã chọn lựa những cây nguyên liệu mạnh khỏe, có dáng vóc đẹp về để chiết nhánh, rồi nhân rộng ra khắp khu vườn nhà.
Với thời gian hơn 10 năm anh Toàn đã chăm chỉ chăm sóc cho vườn mai nu của gia đình, không phụ lòng của người trồng, hơn 10 năm nay.
Vườn mai nu khỉ của nhà anh Toàn đã xuất bán khắp nơi trong và ngoài huyện cho thương lái hàng chục cặp kiểng cổ mai nu chiếu thủy theo dáng mẫu tử mỗi cặp tùy kích cở lớn nhỏ thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Huỳnh Văn Toàn, nông dân trồng thành công mai nu khỉ (mai chiếu thủy nu, mai nu mặt khỉ) ở ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Anh Toàn cho biết cây mai nu khi đã tạo hình hoàn chỉnh theo nguyên tắc chơi kiểng cổ rất có giá trị, trung bình 1 cặp mai nu đã thành hình theo các thế mẫu tử có giá từ 80 đến 150 triệu đồng/1 cặp.
Ngoài ra, giá của 1 cặp mai nu nguyên liệu từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Trồng mai nu chiếu thủy cũng lắm gian nan, từ khâu chọn cây nguyên liệu ban đầu, đến khâu nuôi dưỡng và tạo hình, tạo dáng cho cây.
Cây mai nu cũng dễ bị sâu bệnh, nên người trồng phải thường xuyên thăm vườn và phun xịt thuốc đặc trị sâu đục thân, côn trùng hút nhựa trên cây mai.
Ngoài ra, người trồng còn phải bón phân cân đối cây mai nu chủ yếu thích hợp với các loại phân hữu cơ như tro trấu, phân bò… vào mùa nắng cần đảm bảo chế độ nước tưới tiêu phù hợp tránh cho cây bị mất nước khô hạn.
Anh Toàn đào 2 ao trong vườn để tích trữ nước cho việc tưới cây, dưới gốc, anh ủ rơm rạ, xơ dừa, trung bình mỗi ngày phải bơm nước tưới 1 lần để tạo độ ẩm cho cây tươi tốt.
Chính vì thế, dù đang là mùa nắng nóng, đi giữa vườn mai nu chiếu thủy của anh Toàn vẫn thấy mát mẻ, hương thơm ngào ngạt của hoa mai nu chiếu thủy và màu trắng tinh khiết của hoa làm cho không khí trở nên dễ chịu hẳn lên, cây mai nu chiếu thủy Gò Công Tây vừa mang lại giá trị kinh tế cho người dân vừa góp thêm vẻ đẹp cảnh quan môi trường cho địa phương thật đáng tự hào.
Anh Huỳnh Văn Toàn cho biết, qua thời gian dài trồng mai nu vừa cho nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Vườn mai nu chiếu thủy của anh Toàn còn là nơi hướng dẫn cho người dân trong ngoài xã cách trồng mai nu và tham gia hướng dẫn cắt tỉa tạo hình mai nu cho những ai yêu thích nghề này.
Thông qua niềm đam mê với hoa kiểng anh đã đóng góp thêm phần công sức trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Tóm lại, nghề trồng mai nu truyền thống của người dân xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đã và đang mang lại thu nhập ổn định, mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây.
Có thể nói, những tấm gương sáng đam mê làm kinh tế giỏi như anh Huỳnh Văn Toàn đã góp phần vào phong trào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cũng góp phần lưu truyền nghề trồng kiểng truyền thống của huyện Gò Công Tây trong suốt thời gian qua.
Leave a Reply