Mất 14,6 tỷ trong tài khoản: Khách hàng “gục ngã” sau khi bị tuyên thua kiện ngân hàng

Ngày 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm 2 vụ kiện yêu cầu bồi thường giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (ở Bắc Ninh) với bị đơn là các ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Trong vụ án với Techcombank, hồ sơ thể hiện ngày 23/4/2022, bà Chúc đến Techcombank chi nhánh Từ Sơn mở tài khoản rồi cùng người nhà chuyển hơn 14,6 tỷ vào nhưng không nhận được tin nhắn báo biến động số dư. Hôm sau là chủ nhật nên bà phải đợi đến ngày 25/4 mới ra ngân hàng kiểm tra, được thông báo tài khoản của mình 0 đồng.

Sự việc sau đó được trình báo công an, thể hiện bà Chúc bị hai người tự xưng cán bộ giao thông và công an, gọi điện thoại nói bà gây tai nạn giao thông ở Đà Nẵng lại liên quan mua bán ma túy.

Những kẻ này yêu cầu bà mở tài khoản tại Techcombank và Vietcombank, chuyển vào tổng hơn 26,5 tỷ đồng đồng thời phải cài “phần mềm bảo mật”. Cảnh sát điều tra cho thấy, phần mềm này có thể can thiệp, chuyển tiếp các thông tin như danh bạ, tin nhắn….

Tại đơn khởi kiện, Techcombank, bà Chúc cho rằng nhân viên nhà băng này không hướng dẫn, tư vấn thông tin bảo mật dữ liệu đồng thời “vô cảm, thờ ơ” khi bà báo mất tiền. Ngân hàng cũng không có biện pháp ngăn nhóm lừa đảo tẩu tán tiền…

TAND TP.Từ Sơn từng xử sơ thẩm, đánh giá Techcombank có “một phần lỗi”, tuyên buộc bồi thường cho bà Chúc 800 triệu đồng. Cả nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo và trong đó, bà Chúc không đồng ý con số này còn phía ngân hàng cho rằng không có trách nhiệm bồi thường.

Viện kiểm sát thì kháng nghị, cho rằng tòa án không có căn cứ xác định ngân hàng mắc lỗi.

Tại tòa phúc thẩm (chiều 2/7), phía Techcombank tái khẳng định đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục mở và sử dụng tài khoản cho khách hàng, gồm bà Chúc. Khi xảy ra sự cố, họ làm theo ba bước gồm tư vấn cho khách tạm khóa tài khoản; khuyến cáo báo công an; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin để truy tìm kẻ lừa đảo.

Bà Chúc trình bày, bản thân “không được tư vấn gì” khi mở tài khoản và đặc biệt, nhân viên Techcombank: “Tự điền hết thông tin, tự tick vào các dịch vụ, gồm chuyển tiền qua internet banking”. Do đây không phải dịch vụ bà yêu cầu nên khi có thiệt hại liên quan internet banking, ngân hàng phải bồi thường.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bà Chúc cho hay bản thân nghĩ tiền gửi vào ngân hàng là an toàn, bảo mật tốt và: “Tiền trong ngân hàng, không có sự đồng ý của tôi thì không rút được”.

Tiền mất khách chịu, ngân hàng không có lỗi

Luật sư của bà Chúc nêu quan điểm, nhân viên Techcombank không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm khi mở tài khoản mới cho bà; không hướng dẫn sử dụng tài khoản an toàn, bảo mật thông tin, cảnh báo lừa đảo… Việc này vi phạm các Điều 21 và 52, Nghị định 88/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

“Trách nhiệm phải làm mà không làm, là có lỗi”, luật sư nói. Ngoài ra, khi có sự cố, Techcombank cần xử lý và báo cáo Ngân hàng nhà nước để chặn kẻ gian tẩu tán, che giấu dòng tiền. Trong vụ án với bà Chúc, ngân hàng này lại “cố tình giấu giếm” khi cả tuần sau mới báo cáo.

Tranh luận lại, phía Techcombank giữ quan điểm cho rằng đã làm đúng quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ nhưng bà Chúc lại “tự ý cài phần mềm vào điện thoại” nên lỗi mất tiền thuộc hoàn toàn về bà.

Sau 10 phút nghị án, tòa phúc thẩm xác định bà Chúc khi ký văn bản mở tài khoản thì “cần phải biết và buộc phải biết” về các điều khoản liên quan. Techcombank đã cung cấp cho bà Chúc tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, OTP kích hoạt…

Tuy vậy, khi bà Chúc cài phần mềm theo yêu cầu của 2 kẻ lừa đảo, bà đã gián tiếp cung cấp thông tin về tài khoản cho chúng nên việc bị mất 14,6 tỷ đồng hoàn toàn thuộc lỗi của bà.

Cấp phúc thẩm do vậy bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị từ viện kiểm sát. Như vậy, Techcombank không phải bồi thường bất cứ số tiền nào trong 14,6 tỷ đồng khách hàng bị chuyển đi.

Sau đó, tòa chuyển sang xét xử vụ kiện thứ hai giữa bà Chúc với Vietcombank nhưng người phụ nữ không thể đứng vững, được con gái dìu ra ngoài. Hôm nay (3/7), tòa tiếp tục làm việc.

Trong vụ kiện Vietcombank là nguyên đơn, án sơ thẩm xác định do 2 kẻ lừa đảo nói trên yêu cầu nên bà Chúc mở tài khoản tại ngân hàng này, chuyển vào gần 12 tỷ đồng. Sau đó, tiền trong tài khoản của bà cũng “không cánh mà bay”. Tòa sơ thẩm cho rằng Vietcombank có một phần lỗi, phải bồi thường 700 triệu đồng nhưng các bên đều không đồng ý nên đồng loạt kháng cáo.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *