“Mỏ vàng sầu riêng”, loại trái cây vua của Việt Nam: Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, sẽ hết cảnh dội chợ? (Bài 2)

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang Trung Quốc, Việt Nam nói chung, khu vực trồng sầu riêng vùng ĐBSCL, người dân trồng sầu riêng xuất khẩu giảm rủi ro hơn và mang lại thu nhập cao hơn so với việc chỉ xuất khẩu sầu riêng nguyên trái như trước đây.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp giảm rủi ro khi diện tích tăng nhanh

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp giảm rủi ro khi diện tích trồng “cây tỷ đô” ngày càng tăng. Đó là ý kiến của nhiều nông dân TP Cần Thơ khi mới đây Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, liệu vùng ĐBSCL có biến rủi ro thành lợi thế?- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo người dân, nguyên nhân diện tích trồng sầu riêng không ngừng tăng trong vài năm gần đây do giá bán tăng cao. Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giảm bớt áp lực về sản lượng sầu riêng bán trái tươi vào thời điểm thu hoạch rộ, giúp các doanh nghiệp đẩy giá thu mua trong vùng có mã số vùng trồng.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh – Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, ông vừa hay tin việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Hiện mùa sầu riêng ở địa phương không còn, phải đến tháng 3 năm sau mới có trái bán. Lúc đó, hy vọng giá sầu riêng bình ổn nhờ việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

“Hiện hợp tác xã có 25,7ha sầu riêng (39 thành viên) nằm trong vùng có mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Hợp tác xã cũng đã đăng ký thêm 13ha (18 thành viên) và đang chờ các ngành chức năng kiểm tra, phê duyệt. Chúng tôi trồng chuyên về giống sầu riêng Ri 6 và có số ít diện tích trồng sầu riêng Monthong” – ông Hoảnh nói.

Ông Hoảnh cũng chia sẻ, diện tích sầu riêng ở địa phương tăng rất nhiều. Trong các cuộc hội họp, ông đều ra phản ánh. Hy vọng, việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp giá bán được ổn định hơn.

Theo Sở NNPTNT, hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của TP.Cần Thơ là gần 5.000ha, tập trung tại huyện Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn và một phần nhỏ diện tích ở quận Bình Thủy. Đây là loại cây ăn trái có diện tích tăng nhiều nhất của thành phố.

Trong mùa vụ 2023 – 2024, TP Cần Thơ có 42 mã số vùng trồng được cấp với tổng diện tích gần 954ha. Trong đó có 37 mã số với diện tích trên 887ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong tốc độ phát triển diện tích sầu riêng, Sở NNPTNT khuyến cáo bà con trồng sầu riêng theo hướng chuyên canh, theo đúng thổ nhưỡng và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Riêng về phía Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp thúc đẩy bảo quản chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc mở ra triển vọng mới và giúp giảm rủi ro cho người dân và doanh nghiệp, bởi ngành hàng sầu riêng có thể tham gia phân khúc chế biến, bảo quản.

Theo ông Nghiêm, thời gian qua, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đều là trái tươi, yêu cầu mọi thứ phải chuẩn chỉnh. Khi đông lạnh cơm sầu riêng, doanh nghiệp có thể xử lý được những sản phẩm thu về quá độ chín, hạn chế được tình trạng dội chợ vào giai đoạn thu hoạch rộ trong mùa thuận. Điều này cũng có nghĩa, sản lượng xuất khẩu sầu riêng nói chung sẽ được đẩy mạnh hơn.

Vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Đồng quan điểm với ông Nghiêm, TS Lương Ngọc Trung Lập – Chuyên gia phân tích thị trường nông sản thông tin với Dân Việt, việc sầu riêng đông lạnh của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ làm cho thị trường sầu riêng của Việt Nam thêm rộng mở.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, liệu vùng ĐBSCL có biến rủi ro thành lợi thế?- Ảnh 2.

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu được chú trọng chất lượng cơm bên trong. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Lập phân tích, sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm bên trong, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài (màu sắc vỏ trái) như hàng tươi. Như vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước, các doanh nghiệp có thể tách lấy múi cấp đông, dễ dàng tiêu thụ được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra. Quá trình vận chuyển sầu riêng đông lạnh cũng dễ dàng và thời gian bảo quản được lâu.

Sầu riêng đông lạnh cũng là giải pháp hiệu quả nếu gặp bối cảnh thị trường khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu. Tuy nhiên, việc này sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh về kho lạnh bảo quản từ nhà máy đến quá trình vận chuyển.

Trung Quốc là thị trường chủ lực của trái sầu riêng, nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này còn rất cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh sản xuất sầu riêng và có đường biên giới thuận tiện cho giao thương.

Đặc biệt, theo ông Lập, Việt Nam có lợi thế về giống sầu riêng phù hợp với công nghệ cấp đông như Ri6, Monthong, với sản lượng tương đối lớn, trồng được ở nhiều vùng, thời điểm cung cấp gần như quanh năm.

Hiện nay, kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất phục vụ đông lạnh sầu riêng ở vùng ĐBSCL nói riêng đã có. Điển hình, tại TP.Cần Thơ có một số đơn vị chuyên làm dịch vụ kho đông lạnh với đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Bước đầu thực hiện, các doanh nghiệp có thể tận dụng hệ thống này theo hình thức trả phí dịch vụ.

Được biết, tại ĐBSCL, có trên 33.000ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 120.000ha sầu riêng (trong thời gian tới sẽ tăng lên 150.000 ha và có thể thêm nữa).

Thống kê của đơn vị này cho thấy, mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 1 triệu tấn sầu riêng. Tuy nhiên, trong năm 2023, sản lượng xuất khẩu chỉ dao động từ 450.000 – 500.000 tấn. Do đó, nếu có thêm phân khúc sầu riêng cấp đông để xuất khẩu sẽ tạo giá trị cao hơn.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *