Những ngày giữa tháng 8, theo chân cán bộ xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đến thăm trang trại gà của ông Phạm Hoá (61 tuổi) ở thôn Dương Đại Thuận.
Trang trại ông Hoá nằm trên bãi đất ven sông Thạch Hãn, rộng 1,5ha. Diện tích đất này chỉ phát huy hiệu quả kinh tế khi ông Hoá đầu tư trang trại nuôi gà có quy mô lớn, theo chuỗi liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nuôi gà thương phẩm, mỗi năm ông Hoá (bên phải) có lãi 500 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Vũ.
Dẫn chúng tôi thăm trang trại của mình, ông Hoá cho biết năm 2020, ông bắt đầu xây dựng trang trại nuôi gà. Bước đầu chưa có kinh nghiệm, ông Hoá chỉ xây dựng một dãy chuồng nuôi rộng 1.800m2. Sau khi thành công, ông Hoá tiếp tục huy động vốn xây dựng thêm 2 dãy chuồng. Hiện nay, 3 dãy chuồng nuôi gà của ông Hoá rộng 5.400m2.
“Chỉ riêng xây dựng chuồng trại, đầu tư máy móc, gia đình tôi đã bỏ ra 5,4 tỷ đồng để đầu tư, dự tính khoảng 10 đến 12 năm sẽ thu hồi vốn” – ông Hoá chia sẻ.
Trang trại gà thương phẩm của ông Hoá được đầu tư hệ thống tự động. Ảnh: Ngọc Vũ.
Trên diện tích 5.400m2 chuồng trại, ông Hoá thả nuôi 150.000 con gà (mỗi lứa 50.000 con), mỗi dãy chuồng thả nuôi cách nhau từ 20 đến 25 ngày.
Chăn nuôi theo chuỗi liên doanh liên kết, ông Hoá được công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm.
Gà giống khi thả nuôi chỉ 1 ngày tuổi. Sau 3 tháng chăm sóc, gà trống đạt trọng lượng 2,2kg đến 2,5kg (con vượt đạt lên tới 3,3kg), gà mái từ 1,7kg đến 2kg là có thể xuất bán cho công ty.
Sợi dây nhỏ ông Hoá đang cầm có kết nối máy giật gà, chống gà đậu trên hệ thống máng ăn. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo ông Hoá, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi con gà chỉ có lãi khoảng 4.000 đồng, nhưng nhờ nuôi số lượng lớn nên mỗi năm ông Hoá có lãi 500 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, ông Hoá cho biết, muốn làm giàu từ chăn nuôi phải có quy mô lớn. Thách thức lớn nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Hệ thống làm mát bằng quạt hút nước ở trang trại gà của ông Hoá giúp đảm bảo nhiệt độ ổn định trong chuồng nuôi tuỳ theo thời tiết, thời gian sinh trưởng của gà. Ảnh: Ngọc Vũ.
Khi có nguồn vốn, các khâu xây dựng chuồng trại, đặc biệt là thiết bị điện, nước phải được chú trọng. Chuồng nuôi của ông Hoá có hệ thống làm mát, điện, nước tự động và phải tính đến phương án dự phòng khi mất điện lưới. Chuồng nuôi có đệm lót sinh học để giảm thiểu mùi hôi…
Ông Hoá đã hợp đồng với một công ty lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để bán phân sau mỗi lần xuất bán gà, vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, ông còn xây dựng một hồ nuôi cá trê. Khi có gà bị chết, ông Hoá sẽ xử lý rồi cho cá ăn.
Xung quanh chuồng nuôi gà, ông Hoá trồng thêm cây xanh, vừa có giá trị kinh tế vừa để làm mát không gian. Ảnh: Ngọc Vũ.
Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, ông Hoá còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng và 12 lao động thời vụ.
Ông Võ Văn Hưởng – Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận cho biết, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hoá còn tích cực hỗ trợ các hoạt động xã hội ở thôn, xã.
Hồ nuôi cá ở trang trại gà của ông Hoá vừa để thư giãn, vừa có tác dụng xử lý môi trường. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo ông Hưởng, địa phương rất khuyến khích những mô hình chăn nuôi có quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển đúng quy hoạch.
Leave a Reply