Diện mạo nông thôn huyện Giao Thủy đổi mới từng ngày
Năm 2018, Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Xác định “Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình xây dựng NTM nâng cao của huyện Giao Thủy đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng thông tin, đến nay, toàn huyện có 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 157/195 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Với phương châm “Dân cần – dân biết – dân bàn – dân làm – dân giám sát – dân hưởng thụ” và “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm. Do đó, diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt đạt 138,57 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2017.
Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ, đạt hiệu quả tốt và có sức lan tỏa mạnh. Đến nay, toàn huyện có 105 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhờ vậy, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh so với thời kỳ đầu thực hiện NTM.
“Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người huyện Giao Thủy đạt 84,46 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 4 lần so với năm 2010”, ông Nguyễn Tiến Tùng vui mừng cho biết.
Theo ông Tùng, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Giao Thủy còn 1,07%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,01%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2023 đạt 95,80%, tăng 9,86% so với năm 2017.
Đến tháng 7/2024, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 94%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định tăng 6 % so với năm 2017.
Hệ thống điện chiếu sáng được nâng cấp bằng cột đúc, cộc tuýp riêng biệt, đèn led, dây điện ngầm trên các tuyến đường; 180/182 xóm được công nhận xóm văn hoá, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá là 94%…
Phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp
Là huyện ven biển, Giao Thủy có nhiều lợi thế trong phát triển ngành nông nghiệp. Thời gian qua, huyện xác định 3 cây lương thực gồm, lúa, lạc, khoai tây và 2 sản phẩm thủy sản như ngao, tôm là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Để nâng cao giá trị kinh tế, Giao Thủy đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ tự cung, tự cấp sang phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy chia sẻ, trong nông nghiệp, xu hướng chuyển dịch nội ngành cơ bản đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản.
Huyện cũng đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM…
Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển.
Cũng theo vị này, hằng năm, diện tích trồng trọt của huyện duy trì trên 9.000 ha; tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) luôn đạt trên 93.000 tấn. Nhiều diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, lâu năm và sang mô hình lúa cá mang lại hiệu quả cao gấp 1,5 – 3 lần so với trồng lúa.
Đặc biệt, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thủy sản tập trung phát triển nuôi trồng tại các vùng quy hoạch, theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; từng bước giảm cơ cấu sản lượng, phương tiện khai thác thủy sản ven bờ, chú trọng phát triển nuôi biển và các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao.
“Địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện về hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng tập trung, bền vững, hiệu quả kinh tế cao”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ngày 2/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Leave a Reply