Chiều 22/8, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc) tổ chức tọa đàm: “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường các-bon từ hệ sinh thái rừng ven biển”.
Tại tọa đàm, TS. Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, thị trường các-bon đang trở thành một vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (gồm rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều và cỏ biển) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ các-bon cao hơn rất nhiều so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là rừng nhiệt đới.
“Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này vẫn còn gặp nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ven biển”, TS. Lý nêu.
Theo TS. Vũ Tấn Phương – Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam (Bộ NNPTNT), tín chỉ các-bon là lượng giảm phát thải, tăng hấp thụ các-bon so với mức tham chiếu. Tín chỉ các-bon được tạo ra từ thực hiện các biện pháp giảm nhẹ; tuân thủ các quy định về phương pháp đo đạc, giám sát và báo cáo, đồng thời được bên thứ ba độc lập thẩm định, xác minh và được đăng ký và công nhận. Một tín chỉ các-bon bằng 1 tấn CO2eq.
Nhắc đến tín chỉ các-bon, cần quan tâm đến sinh khối, đây là khối lượng vật chất khô (thân, cành, lá, rễ…) thường được thể hiện là tấn/ha. Sinh khối là thông số cơ bản sử dụng trong tính toán thay đổi các-bon.
– Rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 150.000 ha, 80% phân bố ở phía Nam.
– Bãi triều có khoảng 1,8 triệu ha, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long
– Cỏ biển có khoảng 15.637 ha, 66% ở khu vực đảo Phú Quốc.
– Trữ lượng các-bon cao ở rừng ngập mặn, khoảng 8,7 triệu tấn các-bon, chiếm 1,4% tổng trữ lượng các-bon trong hệ sinh thái rừng (612 triệu tấn các-bon).
Ngoài ra còn có hệ số phát thải (EF), là hệ số để xác định lượng phát thải khí nhà kính trên một đơn vị số liệu hoạt động. EF thường được xây dựng dựa trên các nghiên cứu/đo đạc để đưa ra số liệu trung bình.
Đánh giá về tiềm năng của rừng ven biển khu vực Nam bộ, TS. Phạm Thu Thủy – Đại học Adelaide (Úc) cho biết, đây là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường các-bon. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu về việc khai thác hiệu quả tín chỉ các-bon tại khu vực này.
Theo TS. Thủy, Việt Nam có thể chế chính trị ổn định; đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người dân nghèo, dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng… là những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường các-bon.
Rừng ven biển Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thị trường các-bon. Ảnh: C.G
“Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường các-bon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ các-bon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án các-bon hiệu quả”, TS. Trần Đình Lý nhấn mạnh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt được mức phát thải bằng 0.
Ngay sau COP26, Việt Nam lập tức có hàng loạt các hành động, bước đi mạnh mẽ để hiện thực những cam kết đó. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 được thành lập do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình đã được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra triển khai như: Hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Leave a Reply