M èo rừng là loài động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Có những thời điểm diễn ra nạn săn bắt, phá rừng làm nương rẫy của người dân quanh vùng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú (tỉnh Bình Thuận) đã khiến cho mèo rừng bị suy giảm và bị thu hẹp môi trường sống, song ở Khu Bảo tồn, mèo rừng vẫn còn một lượng khá nhiều đang được bảo tồn.
Đôi nét về khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ở Bình Thuận
Sau những tháng mưa kéo dài, khu rừng Tà Cú vào những ngày cuối năm trở nên xanh mướt.
Đi dưới tán rừng vào thời điểm gần giữa trưa mà giống như đang chiều tối, bởi bóng cây đã che hết ánh sáng mặt trời.
Thấy chúng tôi theo không kịp còn thở hổn hển, anh Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú trêu đùa.
Ngày nào các anh cũng đi bộ bốn năm tiếng đồng hồ quanh khu rừng này là quen ngay, rồi các anh sẽ trở thành vận động viên leo núi.
Anh nói vậy thôi chứ chúng tôi có phải chuyên đi rừng như các anh đâu mà quen. Mới đi mà đã bở hết cả hơi tai rồi.
Ngồi nghỉ mệt trên một phiến đá, anh Phương nói với chúng tôi: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú rộng lắm, diện tích rừng 10.500 ha, thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) có ranh giới tiếp giáp với các xã: Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận và Thị trấn Thuận Nam.
Đây là rừng đặc dụng, được chia thành 3 kiểu rừng khác nhau phân bố theo độ cao so với mặt nước biển.
Đó là kiểu rừng cây lá rộng phân bố ở độ cao trên 500m; kiểu rừng nhiệt đới cây lá rộng nửa rụng lá phân bố từ độ cao 300 -500m và kiểu rừng nhiệt đới cây lá rộng rụng lá mùa khô trên địa hình thấp từ chân núi đến khoảng 300m.
Trong khu rừng hệ thực vật và động vật hoang dã rất phong phú, có tới 689 loài thực vật, nhiều loại cây gỗ quý và cây thuốc quý…
Hệ chim hoang dã ở rừng Tà Cú có tới 94 loài, có loài đặc biệt quý hiếm, như gà lôi lông tía, công, cu xanh.
Loài mèo rừng, động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam đang được bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú-rừng Tà Cú (tỉnh Bình Thuận).
Ở rừng Tà Cý có nhiều loài động vật hoang dã lớp bò sát đặc hữu, như thằn lằn đá, thằn lằn chân ngón, trăn, rắn, rùa; các loài thú hoang dã như hoẵng, khỉ đuôi lợn, vọoc xám, chồn, mèo rừng…
Đang kể chuyện sôi nổi thì giọng anh bỗng trầm xuống, anh nói như bày tỏ nỗi niềm.
Diện tích rừng Tà Cú rộng mà nhân lực của Ban quản lý khu Bảo tồn lại mỏng, chỉ có 15 cán bộ, nhân viên trực tiếp bảo vệ rừng ở 5 trạm bảo vệ rừng ở 5 xã, thị trấn nên việc quản lý, theo dõi, phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng khỏi bị xâm phạm cũng đang gặp khá nhiều khó khăn.
Chuyện về mèo rừng ở Tà Cú-loài động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ
Trong lúc ngồi trò chuyện, tôi có đề cập đến chuyện mèo rừng. Anh Phương tỏ ra hào hứng. Nói về mèo rừng ở đây thì có nhiều chuyện để kể lắm, có khi kể đến mấy ngày cũng không hết chuyện mèo rừng. Rồi anh chậm rãi từng lời.
Trước đây, do nạn săn bắt, phá rừng làm nương rẫy của người dân quanh vùng nên mèo rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú bị suy giảm đáng kể, song ở Khu Bảo tồn mèo rừng vẫn còn một lượng khá nhiều.
Tuy nhiên mèo rừng rất tinh nhanh không dễ tiếp cận. Đây là loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn.
Câu nói “không dễ tiếp cận” của anh khiến tôi tò mò và hỏi lại. Vậy làm sao mình biết được mèo rừng ở Khu Bảo tồn vẫn còn nhiều hả anh? Điều này thì phải dựa vào quá trình theo dõi mới biết được, anh trả lời.
Anh nói, Khu rừng Tà Cú thu hút sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người, đặc biệt với các nhà nghiên cứu động vật. Những năm qua, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú đã đón các đoàn đến từ Giới động vật học thế giới, các sinh viên của trường Đại học Hoa Kỳ, gần nhất là đầu năm 2022 có đoàn nghiên cứu Viện sinh thái – Tài nguyên sinh vật (Hà Nội) tới nghiên cứu.
Nhờ đặt bẫy ảnh, các nhà khoa học đã phát hiện trong khu rừng còn có rất nhiều loài bò sát, đặc biệt là mèo rừng tại tiểu khu 304 giáp ranh xã Thuận Quý và một số tiểu khu quanh núi Tà Cú.
Nhiều nhất là ở Bưng Thị, nơi có sinh cảnh ngập nước, có cá, bò sát nhỏ, thú nhỏ, thức ăn ưa thích của mèo rừng.
Hằng ngày quản lý rừng và theo dõi qua camera bẫy ảnh, anh Phương hiểu rất rõ đặc tính của mèo rừng, anh cho chúng tôi hay: Mèo rừng ở Khu Bảo tồn giống như loài báo, tên khoa học là Prionalurus bengalensis, mèo rừng còn có tên tiếng Anh là Leopard cat (mèo báo) là tổ tiên của giống mèo Bengal và là một trong những loài ăn thịt phổ biến nhất, con trưởng thành nặng khoảng 5kg, thân dài 60cm.
Mèo rừng Tà Cú có đuôi dài lên tới 55cm, tai to, chân cao, móng vuốt sắc nhọn, có bộ lông dày mịn, màu gấm nâu hoa văn rất đẹp, là loại hiếm có trên thế giới.
Theo anh Phương mèo rừng có giá trị rất lớn. Mỗi con mèo rừng có thời điểm giá 30 đến 40 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Sở dĩ nó có giá cao như vậy là bởi dân nhà giàu rất thích ăn thịt mèo rừng vì được đồn thổi là bổ dưỡng, tốt cho sinh lực của đàn ông.
Ngoài ra, bộ da của mèo rừng rất quý, người ta lấy bộ da nhồi bông bên trong tạo thành một con mèo rừng giống như đang sống để trưng trong nhà.
Vì họ quan niệm mèo rừng sống nơi thâm sơn cùng cốc nên hấp thu linh khí của đất trời, nó sẽ xua đi những tà khí trong nhà và đem lại những điều may mắn cho gia đình…
Chính vì lợi nhuận nên trước đây đám thợ săn thường săn lùng, đặt bẫy tại Khu Bảo tồn. Khi mèo dính bẫy người ta bí mật bán cho người thu mua rồi vận chuyển tới địa phương khác.
Và từ khi Chính phủ có Nghị định 06/2019NĐ-CP, xếp mèo rừng nằm trong danh mục động vật nguy cấp quý hiếm, nhóm IIB, cần bảo vệ. Việc mua bán, vận chuyển mèo rừng trái phép đều bị xử phạt thì vấn nạn đặt bẫy ở Khu bảo tồn mới được chấm dứt.
Không chỉ có mèo rừng ở rừng Tà Cú được bảo tồn mà mèo rừng ở nơi khác cũng được đưa về thả ở khu rừng.
Riêng trong năm 2021 có 2 con mèo rừng được thả tại Khu Bảo tồn, đó là trường hợp của ông Nguyễn Hồng Trường, ngụ tại Hàm Minh, giao nộp 1 con mèo rừng cho Hạt Kiểm lâm huyện, sau đó tổ chức thả tại tiểu khu 299, vài tháng sau, Hạt Kiểm lâm Thị xã La Gi thu được 1 cá thể mèo rừng và cũng thả tại Khu Bảo tồn.
Anh Phương kể và cho chúng tôi xem ảnh trong điện thoại. Thật tiện ích, chỉ cần chiếc điện thoại trên tay anh cũng theo dõi và biết được quá trình hoạt động của các loài vật trong Khu Bảo tồn.
Chung tay bảo tồn loài mèo rừng-động vật hoang dã quý hiếm
Nói đến việc quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật ở Khu Bảo tồn, anh Phương trải lòng. Công việc này không hề đơn giản chút nào.
Nếu chỉ dựa vào lực lượng cán bộ và nhân viên của Khu Bảo tồn thì việc bảo vệ rừng với diện tích rộng lớn sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú đã đề ra kế hoạch và giải pháp để mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý rừng.
Đó là ngoài việc thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên tuần tra, truy quét, ngăn chặn các đối tượng phá rừng, săn bắt thú rừng thì Ban quản lý còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của các xã, thị trấn giáp ranh để tuyên truyền luật lâm nghiệp, tổ chức viết cam kết, hương ước bảo vệ rừng; phối hợp với các trường Trung học cơ sở, Tiểu học của các xã và Thị trấn Thuận Nam để giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các động vật quý hiếm như mèo rừng.
Và để tiện cho việc nhận những tin báo liên quan đến bảo vệ rừng, Ban quản lý còn tổ chức mạng lưới thông tin giám sát trong dân…
Nhờ sự chung tay vào cuộc và quyết tâm cao của cả người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật nên những năm gần đây tình trạng đặt bẫy, săn bắt thú rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú đã không còn xảy ra.
Qua câu chuyện về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật quý hiếm ở Khu Bảo tồn Tà Cú (tỉnh Bình Thuận), chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của cán bộ, nhân viên ở các trạm bảo vệ rừng. Nhưng cũng vui mừng vì biết được Khu Bảo tồn vẫn còn nhiều động vật quý hiếm đang được bảo tồn, trong đó có mèo rừng-loài động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Leave a Reply