Kênh Gà như một “ốc đảo”
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: “Do ảnh hưởng của bão số 3-cơn bão Yagi, từ ngày 7/9 đến nay toàn bộ địa giới hành chính Kênh Gà được tổ chức thành 3 thôn gồm: thôn 1, thôn 2 và thôn 3 với hàng trăm hộ dân bị ngập”.
Clip: Người dân thôn 3 (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) sử dụng thuyền đi lại khi nước lũ dâng
“Đến ngày 9/9, dù mực nước đang thấp dần nhưng mọi sinh hoạt của người dân Kênh Gà vẫn chưa trở lại bình thường do bị chia cắt. Ở đây như một “ốc đảo” cứ lũ đổ về là các hộ dân bị ngập bởi nằm bên sông Hoàng Long”, ông Nhất cho biết thêm.
Theo ông Nhất, để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Gia Thịnh đã đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa, người dân hạn chế đi lại khi không cần thiết… Học sinh tại trường mầm non và phân hiệu Trường Tiểu học Gia Thịnh tại Kênh Gà đều phải nghỉ học.
Được biết, mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước sông Hoàng Long dâng cao, làm hàng trăm hộ dân khu Kênh Gà sống ngoài đê bị ngập nước lũ, chia cắt với bên ngoài. Phương tiện duy nhất ra vào thôn trong những ngày này thuyền máy hoặc thuyền chèo tay.
Người dân quen cảnh bị ngập
Ông Trần Hoàng Anh (Trưởng thôn 3, xã Gia Thịnh) trò chuyện với Dân Việt: “Thôn 3 có 257 hộ dân, với 1.100 nhân khẩu, người dân ở trong thôn đã quen với cảnh mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về làm nhà cửa, cây cối bị ngập. Để có phương tiện đi lại, hầu như nhà nào ở trong thôn cũng đầu tư một cái thuyền”.
“Dự kiến, nếu trời không mưa thì phải 5 ngày sau nước mới rút. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, thực phẩm, nước uống để duy trì cuộc sống trong nhiều ngày…”, ông Anh nói.
Hộ ông Trần Văn Giỏi (thôn 3 Kênh Gà) cho biết: “Dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng ông vẫn không thể di dời hết tài sản trong nhà. Thời điểm nước dâng cao nhất là rạng sáng 9/9”.
Nước dâng gần đến nóc nhà, gây thiệt hại đồ điện và bàn ghế. Trước đó, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình ông đã chuẩn bị đồ ăn, thức uống nhưng chỉ đủ sinh hoạt trong vài ngày tới.
Ông Giỏi mong đợi nước nhanh rút để cuộc sống người dân trở lại bình thường. Hiện, những người thân trong gia đình ông Giỏi đã được sơ tán đến khu vực an toàn; chỉ còn ông ở lại để trông nhà cửa, gia súc, gia cầm.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) cho biết: Các hộ dân ở Kênh Gà (xã Gia Thịnh) chủ yếu sống ngoài đê, khi nước từ thượng nguồn đổ về cơ bản bị ngập. Để giảm thiệt hại về người và tài sản, địa phương đã tuyên truyền để người dân chủ động di dời, cũng như kê cao đồ đạc trong nhà, tránh những thiệt hại nặng nề…”
Leave a Reply