Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993 và sau hơn 30 năm đã để lộ nhiều lỗ hổng bảo mật khiến tội phạm khai thác thông qua tin nhắn lừa đảo. Điều này đã khiến mạng 2G đã gần đến ngày “khai tử” tại Việt Nam.
Theo Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông và truyền thông (TT&TT), hiện Việt Nam vẫn có hơn 120 triệu thuê bao di động với 10 triệu thuê bao chỉ kết nối 2G.
Theo lộ trình, các nhà mạng sẽ dừng không hỗ trợ điện thoại 2G từ ngày 16/9. Tuy nhiên, sóng 2G vẫn còn để cung cấp thoại cho các thuê bao 3G, 4G không tích hợp tính năng VoLTE đến hết tháng 9/2026.
Lợi dụng thời điểm các điện thoại chỉ sử dụng sóng 2G sắp ngừng hoạt động và cơ quan chức năng đang tuyên truyền để người dân chuyển sang điện thoại 4G, tình trạng lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo tìm hiểu, không khó để bắt gặp các nội dung bài đăng tải rao bán điện thoại 4G với những lời mời chào hấp dẫn như “màn hình lớn sắc nét dễ nhìn, sóng 4G chuẩn xịn, không lo cắt sóng, loa to, pin khủng…” Tất cả những lời mời chào trên đều “đánh” đúng vào tâm lý của một bộ phận người dùng vốn đã quên sử dụng điện thoại “cục gạch” trước đây.
Anh Tuấn, chuyên viên sửa chữa của một cửa hàng điện thoại ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nhìn qua cũng biết đây là những điện thoại “Tàu” đã có rất lâu rồi và giờ rất ít người dùng.
“Những điện thoại này người trong nghề nhìn là nhận ra đã sản xuất lâu rồi, những người rao bán này họ sửa lại, thay vỏ lại rao bán mấy trăm nghìn cho ai không biết”, anh Tuấn nói với PV Dân Việt.
Mặc dù vậy, nhiều người không biết vẫn nghĩ đây là những điện thoại đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ TT&TT có thể sử dụng được khi bỏ điện thoại 2G đen trắng đang dùng hiện nay.
Về vấn đề này, Cục An toàn thông tin cho biết, các dòng điện thoại 4G hiện nay khó phân biệt được thật, giả và bán tràn lan trên mạng xã hội hướng đến những người có tuổi. Khi đã bán được cho khách, những đối tượng này sẽ chặn liên lạc nên người mua không thể đổi trả. Do mức giá rẻ chỉ từ 200 nghìn đồng nên nhiều người đã mua, nhưng khi lắp SIM mới phát hiện là điện thoại 2G.
Cũng theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, khách hàng khi chuyển đổi sang điện thoại 4G tuyệt đối không mua hàng trôi nổi trên mạng không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, người dân có thể mua qua nhà mạng, hoặc các hệ thống cửa hàng bán điện thoại lớn, uy tín để có thể sử dụng được 4G, không bị ngắt kết nối.
Thực tế, các siêu thị điện thoại lớn hiện nay đã cơ bản đủ nguồn hàng điện thoại 4G để bán ra cho khách hàng trước thời điểm tắt sóng 2G. Đặc biệt, những điện thoại 4G được bán chính hãng hiện có mức giá chỉ từ khoảng 400 nghìn đồng, tức không đắt hơn nhiều so với điện thoại 4G giả đang bán trên mạng.
Leave a Reply