Mùa nước nổi miền Tây, dân ngóng “lũ đẹp”, ngành chức năng cảnh báo triều cường

Theo Dự án Giám sát đập thủy điện Mê Kông (MDM) của Trung tâm Stimson (Mỹ), trong tuần qua, mực nước dòng chính sông Mê Kông báo hiệu mùa mưa năm 2024 có một khởi đầu thuận lợi.

Cao hơn đỉnh lũ năm 2023

Hiện tại, mực nước dọc theo dòng chính sông Mê Kông từ Thái Lan đến Campuchia đang ở mức gần hoặc cao hơn trung bình từng được ghi nhận trước khi xuất hiện đập thủy điện. Mực nước các sông cũng đang dâng theo mức tương tự trước khi có đập vào thời điểm này trong năm.

Mùa nước nổi miền Tây, dân mong cảnh trên cơm dưới cá, ngành chức năng cảnh báo điều gì? - Ảnh 1.

Người dân ĐBSCL mong lũ về để đánh bắt cá tôm, cải thiện đời sống trong mùa nước nổi. Ảnh: HOÀNG VŨ

Tuần trước, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) thông báo dòng chảy ngược đang đẩy một phần nước từ sông Mê Kông trở lại hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia). 

Dữ liệu từ hoạt động giám sát dòng chảy ngược của MDM cũng ghi nhận tương tự.

Dự án MDM nhận xét: “Đây là những tín hiệu tích cực của nhịp lũ sông Mê Kông đối với việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cư dân sống dọc sông. Tuy nhiên, hoạt động tích nước trong mùa mưa từ các con đập đang bắt đầu gia tăng, sẽ tác động tiêu cực đến nhịp lũ. 

‘Các nhà vận hành đập nên hành động một cách thận trọng khi tiến hành tích nước tại thời điểm quan trọng vào đầu mùa mưa này”.

Mùa nước nổi miền Tây, dân mong cảnh trên cơm dưới cá, ngành chức năng cảnh báo điều gì? - Ảnh 2.

Nhiều năm nay, ĐBSCL chỉ có lũ nhỏ hoặc cực nhỏ do biến đổi khí hậu làm lượng mưa thay đổi và đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn dòng khiến người dân đánh bắt tôm cá trải nghiệm kém vui khi mùa nước nổi.

Tình trạng hạn hán đã giảm bớt phần nào ở hạ lưu sông Mê Kông. Mức độ ẩm ướt từ bình thường đến trên trung bình được ghi nhận ở phần lớn vùng Đông Bắc Thái Lan và một phần vùng Đông Lào. 

Gió mậu dịch từ Thái Bình Dương có thể mang đến những cơn bão lớn dọc biên giới Lào – Việt Nam. Trong khi đó, ĐBSCL đang trải qua tình trạng ẩm ướt với mức độ trên trung bình do lượng mưa dồi dào.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 3 tháng tới, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long, nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ lên nhanh. Dự báo trong tháng 10-2024, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh, sau đó xuống dần. 

Từ giữa tháng 11 đến tháng 12, mực nước các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều. Ngoài ra, trong thời gian cao điểm mùa mưa – bắt đầu từ tháng 7, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và có nhiều đợt mưa diện rộng kéo dài nhiều ngày.

Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam nhận định đỉnh lũ chính vụ năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. 

Đỉnh lũ chính vụ trên dòng chính khu vực đầu nguồn ĐBSCL được dự báo đạt mức cao nhất 3,5 m tại Tân Châu – An Giang (tương đương mức báo động 1, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 là 0,41 m). Đỉnh lũ tại Châu Đốc – An Giang đạt 3,2 m – cao hơn mức báo động 1 là 0,2 m, xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 2023 khoảng 0,27 m.

Tại khu vực trung tâm ĐBSCL, mực nước dự báo ở mức cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đạt 2,13 m (cao hơn báo động 3 và đỉnh lũ trung bình nhiều năm 0,13 m); trạm Mỹ Thuận – Vĩnh Long 2,15 m (cao hơn báo động 3 là 0,25 m, cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm 0,25 m). 

Ở vùng giữa và ven biển ĐBSCL, vào kỳ triều cuối tháng 10 và tháng 11, đỉnh lũ phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động 3; chỉ một số trạm thấp hơn mức này nhưng cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Năm nay sẽ có lũ lớn?

Ông Huỳnh Văn Đằng – ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang – cho biết khoảng 3 năm nay, lũ về ĐBSCL rất thấp. Năm 2023 là một năm lũ kiệt, ông đánh bắt cá không được bao nhiêu, mỗi ngày kiếm chưa tới 200.000 đồng.

“Những năm lũ lớn, cá tôm về nhiều, tôi kiếm mỗi ngày 1-2 triệu đồng là bình thường. Mong sao năm nay miền Tây có mùa “lũ đẹp” để người dân chúng tôi cải thiện đời sống” – ông Đằng bày tỏ.

Theo thống kê, trong 60 năm trước năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì ĐBSCL có 1 lần lũ vượt báo động 3 (mực nước ở Tân Châu – An Giang vượt 4,2 m). Năm 2000-2002, ĐBSCL xuất hiện lũ lớn; có năm đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75 m. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, lũ lớn ít dần – chỉ xuất hiện năm 2011; tần suất lũ nhỏ và trung bình tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015.

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu dùng để xác định lũ cao hay thấp. Lũ ở ĐBSCL thường bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến hết tháng 11, đỉnh lũ rơi vào tháng 10.

Ông Vinh phân tích: “Nhiều năm nay, ĐBSCL chỉ có lũ nhỏ hoặc không lũ, do biến đổi khí hậu làm lượng mưa thay đổi và đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn dòng. Năm nay, mưa tương đối dồi dào hơn những năm trước. Từ đây đến cuối năm sẽ còn lượng mưa đáng kể bổ sung vào dòng chảy nên khả năng lũ năm nay sẽ lớn hơn vài năm trước”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng mực nước tại các trạm đang dâng lên do mưa ở hạ lưu sông Mê Kông và đập thủy điện thượng nguồn xả nước. Những tháng cuối năm, mưa bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên nhiều do hiện tượng El Nino chuyển sang La Nina, sẽ gây mưa nhiều và bổ sung nguồn nước vào dòng chảy.

“Nhiều người cho rằng năm nay là năm Thìn nên sẽ có lũ lớn, song điều này còn tùy thuộc vào cường độ bão. Tôi cho rằng lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ ở mức trung bình, cao hơn 2 năm qua, dù vậy còn tùy thuộc vào sự vận hành của các đập thủy điện” – ông Lê Anh Tuấn nhận định. 

Cảnh báo có thể ngập lụt do triều cường

Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam lưu ý với đỉnh lũ như dự báo, hệ thống ô bao, bờ bao trên vùng ngập lũ ĐBSCL cơ bản vẫn đủ khả năng đáp ứng việc bảo vệ sản xuất.

Tuy nhiên, triều cường năm 2024 được dự báo ở mức khá cao. Vì vậy, các địa phương thuộc vùng giữa và ven biển ĐBSCL nhiều khả năng sẽ ngập lụt do triều cường hoặc triều cường kết hợp mưa, lũ từ thượng nguồn.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *