TAND TP.Hà Nội vừa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Lê Văn Mạnh (SN 1981), cựu Phó phòng thuộc Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V05), Bộ Công an, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, Mạnh làm việc trong ngành công an từ năm 2002 và đến năm 2017, anh ta được bổ nhiệm Phó phòng, nhưng do vi phạm kỷ luật nên đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân vào năm 2020.
Phía điều tra cáo buộc, giai đoạn 2018 – 2020, Mạnh do cần tiền chi tiêu cá nhân nên đưa thông tin gian dối, hứa hẹn có thể xin cho các trường hợp công an nghĩa vụ đã xuất ngũ quay trở lại làm việc hoặc xin người ngoài ngành vào làm việc trong lực lượng công an. Qua đây, vị Phó phòng chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng của 3 bị hại.
Vụ thứ nhất, một phụ nữ ở Ninh Bình có con trai thi vào Học viện Cảnh sát năm 2014 nhưng bị trượt. Bà mẹ liền gặp chị Nhung (cán bộ Cục B05 Bộ Công an) nhờ giúp con mình từ trượt thành đỗ. Chị Nhung đồng ý, cầm 800 triệu đồng của người này để “chạy” nhưng không thành công.
Con trai người phụ nữ nói trên sau đó tham gia công an nghĩa vụ nhưng đến năm 2017 phải xuất ngũ. Bà Mẹ tiếp tục nhờ chị Nhung tìm cách cho con trai được ở lại, công tác trong lực lượng công an.
Chị Nhung do quen biết nên tới phòng làm việc của Lê Văn Mạnh đặt vấn đề và được nhận lời giúp trường hợp trên quay lại ngành công an với giá 550 triệu đồng; đưa trước 300 triệu sẽ nhận quyết định trong vòng 6 tháng.
Nghe Mạnh “báo giá”, chị Nhung trao đổi với phía gia đình người phụ nữ ở Ninh Bình. Hai bên thống nhất, chị Nhung nhận thêm 700 triệu đồng, gồm 550 triệu chi cho Mạnh và 150 triệu đồng là tiền “dự bị”, không dùng đến phải trả lại.
Chị Nhung sau đó chuyển 300 triệu đồng cho bị cáo Mạnh nhưng anh ta không xin việc cho ai mà chi tiêu hết rồi tắt điện thoại, chuyển chỗ ở. Vụ việc được tố giác năm 2021.
Cũng trong thời gian trên, chị Nhung quen biết một người đàn ông có con tham gia nghĩa vụ công an nhân dân tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, phải xuất ngũ năm 2018. Người đàn ông đặt vấn đề cho con ở lại ngành công an và chị Nhung trao đổi lại với Lê Văn Mạnh.
Mạnh đồng ý, cho hay có thể xin cho trường hợp trên trở lại công tác với chi phí 500 triệu đồng, đưa trước một nửa. Chị Nhung sau đó nhận từ người đàn ông trên 800 triệu đồng và chuyển cho Mạnh 250 triệu, yêu cầu anh ta viết cam kết giúp nam thanh niên được nhận vào Cục Quản lý trại giam (C10) trong vòng 6 tháng.
Không dừng lại, Mạnh nhiều lần lấy lý do khó khăn để yêu cầu chị Nhung đưa thêm tiền. Cơ quan điều tra cho rằng, anh ta chiếm đoạt của chị Nhung tổng cộng 1,56 tỷ đồng khi hứa hẹn xin việc cho 2 trường hợp nói trên.
Trường hợp khác, năm 2018, ông Phú ở Bắc Giang, muốn cho con gái vừa tốt nghiệp hệ dân sự Học viện Cảnh sát nhân dân vào làm việc trong lực lượng công an nên tìm tới “cửa” Lê Văn Mạnh. Anh ta khẳng định có thể giúp việc này với chi phí 1 tỷ đồng, đưa trước 800 triệu đồng.
Ngày 1/8/2018, ông Phú mang 800 triệu đồng tới quán cà phê gần cơ quan của Mạnh, giao cho anh ta. Nạn nhân nhận lại một giấy biên nhận có nội dung trong vòng 8 tháng sẽ xin giúp cho con gái ông vào lực lượng công an.
Thời gian sau, Lê Văn Mạnh tiếp tục lấy nhiều lý do như công việc sắp xong, cần tiền ngoại giao, cảm ơn… để yêu cầu ông Phú đưa thêm tiền. Tổng cộng, nạn nhân đưa cho vị Phó phòng hơn 1,2 tỷ đồng, hiện chưa được bồi thường.
Ngoài trường hợp trên, Lê Văn Mạnh còn lừa đảo xin cho một chiến sĩ công an xuất ngũ quay trở lại làm việc và chiếm đoạt 350 triệu đồng. Các nạn nhân tố cáo và cảnh sát truy nã, bắt giữ Mạnh vào tháng 12/2023.
*Tên bị hại, người liên quan đã được thay đổi.
Leave a Reply