Đổi mới là phải dung tục?
Sinh năm 2000, tlinh được coi là đại diện tiêu biểu của thế hệ gen Z trong làng nhạc Việt. Cô sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, là nghệ sĩ nữ duy nhất nằm trong Top 5 nghệ sĩ 2023 theo thống kê của trang âm nhạc Spotify.
Có điều, những năm qua, sự nổi tiếng của tlinh luôn đi kèm với tai tiếng. Mang tư duy khá mạnh bạo trong cả âm nhạc lẫn thời trang, trước Fever (ca khúc hợp tác với rapper Coldzy), nữ nghệ sĩ từng không ít lần gây tranh cãi bởi các tác phẩm bị cho là dung tục, phản cảm. Trên diễn đàn, nhiều khán giả thậm chí đề nghị cấm sóng tlinh, với lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực cô mang lại cho thế hệ trẻ.
Thực tế, trước tlinh, đã có không ít người làm nhạc bị “tuýt còi” bởi các sản phẩm dung tục. Năm 2021, rapper Chị Cả bị phạt 35 triệu đồng bởi những ngôn ngữ cổ súy loạn luân tại bản rap Censored. Một năm sau đó, Chi Pu buộc phải xin lỗi, gỡ bỏ MV Black Hickey sau vài ngày đăng tải vì nội dung bị cho là đề cập chuyện tình dục chốn công sở.
Nội dung người lớn còn xuất hiện trong một loạt ca khúc có tới triệu view như Mẩy thật mẩy, Hâm nóng (Bid Daddy), Krazy (Binz, Andree), Sashimi (Chi Pu)… Cộng đồng xôn xao, thậm chí phẫn nộ, nhưng một thời gian sau, các tác phẩm như thế lại ra đời.
Những ngày qua, nhân chuyện về ca khúc Fever, tôi đem câu hỏi “chúng ta phải làm gì trước những tác phẩm như vậy” tới nhiều người, nhận về không ít quan điểm trái ngược.
Một số ca sĩ/ rapper cho rằng khán giả nên chấp nhận tiếng nói của giới trẻ, với sự khác biệt về thế hệ, thị trường âm nhạc: “Thế giới đang vận hành như vậy, tại sao chúng ta lại khắt khe, cổ hủ với những tác phẩm trên, có chăng chỉ nên khuyến cáo về việc dán nhãn 18+ khi phát hành là đủ”.
Các nhà văn hóa khắt khe hơn – như thường lệ. Nhiều người trong số họ coi các ca khúc này là các “văn hóa phẩm đồi trụỵ”, yêu cầu phạt nặng, cấm sóng nghệ sĩ. Thông qua sự việc, vài ý kiến cũng bày tỏ sự quan ngại về lối sống, ứng xử của giới trẻ, trong thời đại mọi thứ đều quá nhanh và vội.
Có cần “bắt chước” phương Tây?
Ở góc nhìn mang tính chủ quan, thú thật, tôi không cho rằng việc lên án các ca khúc dung tục, đề cập trực diện tới sex là lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của nhân loại. Văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây nhiều năm qua luôn tồn tại sự khác biệt trong phương thức tư duy và văn hóa ứng xử, tạo nên cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Tại đó, chủ nghĩa cá nhân (individualism) của văn hóa phương Tây bên cạnh việc cổ vũ con người phát triển, cũng tồn tại không ít bất cập, đặc biệt trong việc đặt những sở thích/ quan điểm của mỗi nguời bên cạnh các lợi ích/giá trị của cộng đồng. Chúng ta học hỏi thế giới trong giai điệu, thể loại nhạc, không đồng nghĩa với việc phải “bắt chước” họ về ngôn ngữ, ca từ, cách thức thể hiện để chứng tỏ rằng mình đang hội nhập.
Mặt khác, ngay tại các quốc gia phương Tây, các tác phẩm âm nhạc dung tục, phản cảm cũng bị công chúng lên án. Điển hình là vào năm 2021, khi rapper Cardi B và Megan Thee Stallion biểu diễn bản rap WAP có ca từ tục tĩu về chuyện quan hệ tình dục tại Grammy, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã nhận hơn 1.000 đơn khiếu nại về tiết mục.
Năm 2010, Miley Cyrus chịu phản ứng nặng nề của các bậc phụ huynh khi phát hành MV Can’t Be Tamed, tại đó cô đóng vai một cô gái bị nhốt trong lồng, trở thành thứ mua vui cho đàn ông.
Nhiều nghiên cứu những năm qua cho thấy âm nhạc cùng với các phương tiện khác như phim và nghệ thuật thị giác có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và tâm lý xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khuyến cáo, gắn nhãn 18+ với các tác phẩm âm nhạc đề cập tới tình dục trên internet là phương án mà nhiều người đặt ra, tuy nhiên tôi cho đây khó có thể là biện pháp khả thi hay đem lại hiệu quả thực sự.
Lý do là bởi công nghệ thông tin quá phát triển, trong khi cơ chế kiểm soát còn rất sơ sài, việc quy định độ tuổi trên YouTube hay bất kỳ mạng xã hội nào khác cũng chỉ mang tính tượng trưng, dễ dàng bị phá bỏ bởi vài thao tác. Nguy cơ người trẻ tò mò, bắt chước thần tượng, hoặc phổ cập hơn là có cái nhìn lệch lạc về tình yêu – tình dục đang hiện hữu, đòi hỏi những động thái từ các cơ quan quản lý.
Đương nhiên cũng không thể cứ thấy viết về chuyện tình dục là “tuýt còi”, bởi mỗi hoạt động sống của con người đều có ý nghĩa riêng của nó. Trong bài hát Cúi xuống thật gần, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Cúi xuống cho tình dấy lên/ Cho da thịt mềm/ Cho cơn mặn nồng ngất lịm”. Bao năm qua, những ca từ của ông vẫn được coi là những giai điệu đẹp, mang tính thẩm mỹ, tôn vinh vẻ đẹp của ái tình và tuổi trẻ.
Các cuộc tranh cãi thời gian qua cũng cho thấy sự phê phán của khán giả hoàn toàn không dành chung cho các ca khúc đề cập tới đề tài tình dục. Họ đủ tỉnh táo để đánh giá sản phẩm âm nhạc qua ca từ, cách chơi chữ, hoặc hình ảnh. Chỉ những thứ thô thiển, phản cảm mới rơi vào “tầm ngắm”, và kể cả khi rơi vào “tầm ngắm” rồi chúng cũng chia ra thành 2 dạng: phản ứng dữ dội hoặc không, tùy vào nội dung tác phẩm, tầm ảnh hưởng của người nghệ sĩ.
Còn nhớ, trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc tới những hoạt động gây tranh cãi của mình, ca sĩ tlinh chia sẻ: “Tôi chỉ đang làm những thứ mình thích thôi”. Đúng vậy, tlinh cũng như những nghệ sĩ khác – họ chỉ đang làm những mình thích.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Nếu một nghệ sĩ không có khán giả, hoặc không nhìn vào khán giả của mình để sáng tạo nghệ thuật – họ có nên đứng trên sân khấu lớn hay không, hay chỉ nên gói gọn mình trong cộng đồng underground và “làm thứ gì mình thích”?
Leave a Reply