Cụ thể: Từ ngày 1/7/2024, Công an tỉnh Bình Phước đã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước năm 2023. Trong đó cấp cho cả trẻ dưới 6 tuổi và trẻ từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Tính đến ngày 10/7, Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các đơn vị địa phương đã thực hiện thu nhận cấp căn cước với nhiều điểm mới cho công dân trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo cho việc tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước, đáp ứng nhu cầu của người dân, Công an tỉnh đã phối hợp với công an huyện, thị, thành phố chuẩn bị điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các bậc phụ huynh đăng nhập cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng Dịch vụ công Bộ Công an thông qua tài khoản VNeID để làm thủ tục đăng ký cấp thẻ căn cước. Đồng thời, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật căn cước năm 2023 để người dân nắm, hiểu và đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh: Chỉ sau 10 ngày triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã làm thẻ căn cước mới cho 5.533 công dân. Số thẻ căn cước cấp riêng cho trẻ em dưới 14 tuổi là khá nhiều (1.614 trường hợp). Trong số đó, trẻ dưới 6 tuổi là 329 trường hợp; từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi là 1.285 trường hợp; từ 14 trở lên 3.916 trường hợp và gốc người Việt Nam là 3 trường hợp.
Thượng tá Hồ Ngọc Chiến – phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh – cho biết: “Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Thực hiện thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học, gồm ảnh khuôn mặt, mống mắt”.
Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Bên cạnh đó, Luật Căn cước 2023 cũng quy định việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân
Thượng tá Hồ Ngọc Chiến cho biết thêm: “Ngay từ ngày đầu (1/7), chúng tôi tuyên truyền trong người dân và triển khai thu nhận hồ sơ cấp cấp mới căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi và từ 6 đến dưới 14 tuổi. Đối với công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.
Đối với công dân đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi phải cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước thay cho công dân”.
Hiện nay, với công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn thì vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi thẻ. Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ được thu thập vân tay, ảnh khuôn mặt và thông tin sinh học mống mắt…
Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay, như: người khuyết tật, vân tay bị biến dạng….
Việc thực hiện chính sách cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi giúp nhà nước quản lý được toàn bộ công dân, tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Leave a Reply