Chung quanh việc sáng tạo, hoàn thiện và phổ cập chữ Quốc ngữ vẫn còn những ý kiến khác nhau, cần tiếp tục bàn luận, trao đổi, thậm chí tranh luận để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan, tuy nhiên, nói gì thì nói, nhân dân ta có được chữ Quốc ngữ ngày nay để sử dụng là một sự may mắn.
Vậy thì hà cớ gì chúng ta không vui mừng, tự hào về chữ Quốc ngữ và biết ơn tất cả những người đã góp phần sáng tạo ra nó!
Chữ Quốc ngữ là một loại chữ viết tiếng Việt được ghi bằng tập hợp các chữ cái La tinh và dấu phụ được dùng cùng các chữ cái đó. Chữ Quốc ngữ chủ yếu do các giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra từ đầu thế kỷ XVII và được truyền bá rộng rãi ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay.
Giá trị và sự tiện dụng
Nhiều vấn đề đã và đang đặt ra cho việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ. Chẳng hạn như: Chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu? Mục đích của việc sáng tạo chữ Quốc ngữ? Ai là thủy tổ của chữ Quốc ngữ? Sự liên quan của các giáo sĩ sáng tạo chữ Quốc ngữ với cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của thực dân Pháp giữa thế kỷ XIX?…
Hãy khoan bình luận, tranh cãi về các vấn đề trên, mà trước hết cần nhìn nhận giá trị và sự tiện dụng của chữ Quốc ngữ. Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời, chữ viết của người Việt là chữ Hán và chữ Nôm. Giả sử đến ngày nay, chữ Hán, chữ Nôm còn tồn tại với tư cách là chữ viết chính thống thì điều chắc chắn là việc giao lưu quốc tế, tiếp xúc với thế giới văn minh sẽ gặp nhiều hạn chế.
Bởi ai cũng biết, chữ Hán, chữ Nôm rất khó học, khó viết, khó nhớ, ngược lại với chữ Quốc ngữ. Nói vậy sẽ có người chất vấn: Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… còn dùng chữ viết truyền thống, chưa La tinh hóa chữ viết như Việt Nam, nhưng bây giờ họ là những cường quốc về kinh tế?
Theo tôi, đây là câu chuyện khác, có nhiều nguyên nhân (chẳng hạn như chiến tranh, thể chế…) chứ đơn thuần về chữ viết với tư cách là một công cụ để học tập, giao tiếp, nghiên cứu thì chữ Quốc ngữ của chúng ta có ưu thế vượt trội.
Tiến sĩ Hán học Trần Quý Cáp – một trong bộ ba lãnh tụ phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng) thấy rất rõ giá trị của chữ Quốc ngữ trong việc khai dân trí, chấn dân khí, thúc đẩy phong trào cải cách xã hội theo hướng văn minh, đã có một hành động dũng cảm: Quá kiều đoạn kiều (qua cầu dứt cầu), nghĩa là từ bỏ lối học cũ bằng chữ Hán, chữ Nôm mặc dầu nhờ nó mà ông đỗ đạt, thành danh, để chuyển sang tân học và chữ Quốc ngữ. Ông nồng nhiệt cổ xúy cho việc sử dụng chữ Quốc ngữ qua “Bài ca khuyến học”:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
Sách Âu Mỹ, sách Chi-na
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường
Công, nông, cổ trăm đường cũng thế
Họp bày nhau thì dễ lo toan
Á Âu chung lại một lò
Đúc nên tư cách mới
cho thành người…
Ngày nay, theo PGS.TS Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì: “Tiếng Việt ngày nay như một chiếc cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới và góp phần đưa văn hóa thế giới đến với Việt Nam. Có được diện mạo và có được sức hút mãnh liệt như ngày nay, tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng trải qua bao thăng trầm cùng với dân tộc”.
Những vấn đề còn đang tranh luận
Xung quanh chữ Quốc ngữ vẫn còn nhiều vấn đề còn cần phải làm rõ.
Một là, chiếc nôi của chữ Quốc ngữ ở đâu? Đến nay, có 4 địa điểm được cho là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ: Hội An, Thanh Chiêm (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Cửa Bạng (Thanh Hóa). Các nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền (trong sách Dinh trấn Thanh Chiêm), Châu Yến Loan (trên Báo Quảng Nam)… đã chứng minh một cách thuyết phục rằng: Thanh Chiêm là cái nôi quan trọng nhất, bởi tiếng nói nơi đây là đối tượng nghiên cứu của hai vị đại diện xuất sắc nhất: Pina – người đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ, và Rhodes – người sau này hoàn thiện hệ thống chữ Quốc ngữ.
Hai là, mục đích sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để làm gì? Không ai có thể phủ nhận rằng, mục đích ban đầu của việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chỉ nhằm phục vụ cho việc truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây.
Khi thực dân Pháp chiếm trọn nước ta từ cuối thế kỷ XIX thì họ dùng chữ Quốc ngữ để phục vụ việc cai trị chứ không dùng nó để khai hóa nhân dân ta. Tuy nhiên, giới trí thức nước ta thời bấy giờ, cả cựu học lẫn tân học, thấy rõ sự tiện dụng của chữ Quốc ngữ nên đã nhanh chóng tiếp thu, biến chúng thành một công cụ phục vụ các phong trào yêu nước và cách mạng của mình.
Có lẽ điều này nằm ngoài suy tính của các giáo sĩ và thực dân Pháp. Dẫu sao, so với các nước đồng văn, đồng chủng ở châu Á, chỉ Việt Nam ta có được chữ viết bằng ký tự La tinh, rất thuận lợi trong mọi mặt của cuộc sống. Điều đó cũng đủ lý do để chúng ta ghi nhận đóng góp của những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Ba là, ai là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ? Chữ Quốc ngữ là công trình sáng tạo tập thể của nhiều người, nhiều giáo sĩ phương Tây và nhân dân ta. Người dân địa phương đã dạy các giáo sĩ nói những tiếng Việt đầu tiên.
Rhodes viết trong hồi ký về thời kỳ mới đến Thanh Chiêm: “Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé xứ này. Trong 3 tuần lễ, cậu đã dạy tôi những dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi chưa biết tiếng cậu, thế nhưng cậu có trí nhớ thông minh, biết được những điều tôi muốn nói. Và thực tế cũng trong 3 tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha”.
Nói chữ Quốc ngữ là công trình sáng tạo tập thể nhưng cũng cần khẳng định vai trò của những cá nhân chủ lực. Đó là các giáo sĩ Pina và Rhodes, người góp phần quan trọng nhất trong việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Không khẳng định vai trò của họ thì khác nào chỉ thấy rừng và không thấy cây.
Bốn là, các giáo sĩ sáng tạo ra chữ Quốc ngữ liên quan gì đến cuộc xâm lược nước ta của thực dân Pháp giữa thế kỷ XIX? Hiện nay, có một số nhà nghiên cứu cho rằng, các giáo sĩ đến truyền đạo ở Đàng Trong đầu thế kỷ XVII thực chất là tìm hiểu tình hình nhằm cung cấp cho chính phủ và quân đội Pháp.
Quan điểm này rất khó thuyết phục, bởi khoảng cách thời gian từ lúc các giáo sĩ sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đến lúc liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858) là gần 230 năm!
Vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã thể hiện rõ quan điểm trong một cuộc hội thảo gần đây tại Đà Nẵng: “Không thể nói sự việc của hai thế kỷ trước có dính líu đến những biến động lịch sử sau này. Nói như thế là không đúng với lịch sử và là sự vu oan giá họa cho những bậc tiền nhân”.
Chiếc nôi hình thành chữ Quốc ngữ
Tự hào là chiếc nôi quan trọng nhất cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, là nơi có trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên trong cả nước, chính quyền thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch xây một Công viên Quốc ngữ tại “cựu đô” Thanh Chiêm với quy hoạch 12.000m2, sẽ tái hiện không gian khu vực hành cung dinh trấn xưa, đồng thời sẽ trưng bày các hiện vật, tư liệu về quá trình hình thành và tôn vinh chữ Quốc ngữ.
Và GS Nguyễn Đăng Hưng, một người con của quê hương xứ Quảng, Điện Bàn, một nhà khoa học tên tuổi ở Vương Quốc Bỉ, bằng tình yêu, niềm tự hào về tiếng Việt và chữ Quốc ngữ đã có hành động cụ thể, thiết thực là thành lập Quỹ tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Quỹ này đã được chính quyền thị xã Điện Bàn phê duyệt, đang đi vào hoạt động.
Với đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, năm 2018, GS Nguyễn Đăng Hưng đã dẫn đầu một đoàn người Việt gồm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, khảo cổ học, hướng dẫn viên du lịch… sang tận nước Iran viếng mộ Alexandre Rhodes, đặt bia tri ân trên mộ giáo sĩ với dòng chữ: Tri ân Cha Alexandre Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ – chữ Việt viết theo ký tự La tinh.
Và mới đây, ngày 26-11-2023, GS Nguyễn Đăng Hưng cùng một số thân hữu trong Quỹ tôn vinh tiếng Việt và Quốc ngữ đã sang tận Bồ Đào Nha – quê hương của giáo sĩ Pina, dựng tượng đồng cao 3m, khắc ghi dòng chữ: Tấm bia này là biểu tượng tri ân cha Francisco de Pina, một trong những người đầu tiên tác tạo ra chữ Quốc ngữ – chữ viết tiếng Việt dùng ký tự La tinh.
Leave a Reply