Nhà báo Nhị Lê: “Giọt nước mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến tôi ám ảnh”

Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình đã ngừng đập vào ngày 19/7/2024.

Thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần khiến người dân khắp mọi miền Tổ quốc đau xót, tiếc thương. Mọi người đã bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn, khi phải tiễn biệt một nhân cách lớn của dân tộc.

Nhận mình là người may mắn khi được làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi ông còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nhị Lê (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) đã có những chia sẻ với Dân Việt về một người mà ông luôn trân trọng gọi là Thầy, là Thủ trưởng, là Anh với rất nhiều kỷ niệm xúc động.

Nhà báo Nhị Lê:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng vừa từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Ảnh: Quốc hội

Thưa nhà báo Nhị Lê, ông có thể chia sẻ những tình cảm đặc biệt sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

– Trước hết, đó là người Thầy của tôi, người Thủ trưởng, người Anh của tôi. Tôi vào nghề báo được sự dẫn dắt, chỉ bảo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng -lúc bấy giờ là Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Trong suốt quá trình làm việc và học tập, tôi luôn luôn nhận được sự yêu thương trìu mến từ người Thầy, người Anh, đồng thời là Thủ trưởng.

40 năm tôi làm báo chuyên nghiệp, cũng rất là vinh dự luôn được sự gửi gắm, tin cậy của Tổng Bí thư. Dù đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị nào, là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, hay Tổng Bí thư, bận rất nhiều việc nhưng vẫn luôn luôn dành cho tôi sự quan tâm như một Anh, một người Thủ trưởng, một người Thầy.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, tình cảm của Tổng Bí thư đối với cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng, nơi mà Đồng chí có 29 năm 8 tháng công tác, mỗi lần về thăm Tạp chí, Đồng chí luôn căn dặn Tạp chí Cộng sản hãy xứng đáng với truyền thống của mình, xứng đáng với Đảng ta, xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sáng lập ra Tạp chí Cộng sản hiện nay.

Dù tư cách cá nhân, hay sau này tôi tham gia Ban Lãnh đạo của Tạp chí, bản thân Ban Lãnh đạo luôn nhận được sự yêu thương, trìu mến, sự căn dặn rất tỉ mỉ, để sao cho xây dựng Tạp chí Cộng sản- cơ quan lý luận Chính trị của Trung ương Đảng- Tạp chí được Bác Hồ sáng lập – luôn xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng..

Dù giữ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng gửi gắm cho Tạp chí những bài viết riêng, đặc biệt khi giữ cương vị Tổng Bí thư. Đồng chí luôn dành cho Tạp chí của Đảng sự ưu ái đặc biệt.

Hằng năm đều có thông điệp của Tổng Bí thư đăng vào số Xuân cũng là ngày thành lập Đảng ta, cũng là đón xuân, đón Tết cổ truyền. Đó là thời khắc thiêng liêng, vinh dự mà Ban Biên tập nhận được sự chỉ đạo, động viên, khích lệ của Tổng Bí thư. Có lẽ, suốt cuộc đời làm báo của tôi phần lớn là được ở bên cạnh Đồng chí, từ khi tôi làm Biên tập viên cho đến khi tôi tham gia lãnh đạo Tạp chí. Tổng Bí thư luôn căn dặn: “Đảng chỉ có một tờ tạp chí, các em muốn làm sao thì làm, để xứng đáng với truyền thống, Tạp chí Đỏ- tức là Tạp chí Cộng sản ra số đầu tiên ngày 5/8/1930 do Bác Hồ sáng lập, là nối đời các đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta, đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Trường Chinh. Các Tổng Bí thư của chúng ta đều là Chủ nhiệm Tạp chí.

Ông có thể kể thêm những dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư trong thời gian công tác ở Tạp chí Cộng sản?

– Lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ, tôi nhớ nhất mãi một chuyện, đó là khi chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu tan rã, ngay trong Tạp chí chúng tôi cũng có ý kiến đề nghị đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi cũ là Tạp chí Học tập.

Cũng có ý kiến nêu ra trong buổi thảo luận, vào năm 1991-1992, lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Biên tập, đã nói rằng, chúng ta có thể đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam trở về với Đảng Lao động Việt Nam. Với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hết sức kiên quyết dù có thế nào đi chăng nữa, dù với tên gọi nào đi chăng nữa, sinh hoạt nội bộ của nó vẫn nguyên vẹn là cơ quan lý luận về chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên Đồng chí quyết định không thể đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi cũ. Đó là dấu ấn rất quan trọng về đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong đời tôi.

Còn về mặt cuộc sống đời thường, một trong những chuyến đi công tác, tôi vẫn nhớ mãi. Đó là cuối năm 1986, khi đấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng, tôi được đi công tác cùng đồng chí, lúc đó là mùa đông rất rét. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ vào đôi chân trần của những cháu học sinh ở Văn Chấn, Yên Bái đến trường, rồi quay sang hỏi tôi: “Em nghĩ gì?”. Tôi thưa lại: “Anh ạ, hôm nay là khai mạc Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội đổi mới của Đảng ta, em kỳ vọng cuộc đổi mới sẽ làm cho những đôi chân trần kia, có đôi dép để đi tới lớp những ngày đông giá. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ có những giọt nước mắt chảy ra. Đấy là hình ảnh mà tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Nhà báo Nhị Lê:

Nhà báo Nhị Lê trong một lần được làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NVCC

Cách đây một thời gian, mùa xuân Giáp Thìn tôi lên thăm Tổng Bí thư, tôi nhắc lại chuyện đó, tôi nói: “Anh ạ, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã gặt hái được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Em là người làm báo, vẫn đi, vẫn viết, vẫn quan sát, em đã trở Lai Châu, Yên Bái, em đã trở lại thăm Văn Chấn và thấy điều ước nguyện của chúng ta gần 40 năm trước đã trở thành hiện thực. Những đứa trẻ không đi chân đất đến trường nữa”. Qua câu chuyện như vậy, nhưng nó nói thay tất cả suy nghĩ, khát vọng, hành động của Tổng Bí thư sau này, suốt mấy chục năm qua.

Nhà báo Nhị Lê:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, với 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn đặc biệt gì?

– Trước hết, ở Tổng Bí thư là sự tiếp tục phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, Tổng Bí thư là một nhà lý luận. Đặc biệt, thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cho đến ngày hôm nay, sau 40 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng bước hình thành lý luận đổi mới. Từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà hạt nhân lý luận là hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng.

Thứ ba, Tổng Bí thư là một nhà báo. Cả cuộc đời có thể nói, phần trai trẻ của Tổng Bí thư là nhà báo tới 30 năm. Sau này, ông là người cộng tác rất đắc lực đối với toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng của chúng ta. Tổng Bí thư đã dành những tác phẩm báo chí đặc biệt vào những dịp trọng sự quốc gia, dịp đón xuân mới, gửi thông điệp đến toàn đảng, toàn quân, toàn dân.

Thứ tư, Tổng Bí thư là một nhà văn hóa. Ở Tổng Bí thư, người ta thấy một sự tiếp nối, phát triển đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của các bậc tiền bối, từ Tổng Bí thư Trần Phú. Đặc biệt, Tổng Bí thư thật sự xứng đáng là người dẫn dắt, là người hội tụ khát vọng, tâm tư và hành động của nhân dân.

Cuối cùng Tổng Bí thư là một người thực sự mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, dù với tư cách là người cha, người ông, bạn học. Ở nơi đâu, cho đến thời khắc này, chúng tôi cũng thấy Tổng Bí thư rất xứng đáng là một tấm gương trong cuộc sống thường ngày.

Xin cảm ơn ông!


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *