Theo thông báo của TAND Cấp cao tại TP.HCM, dự kiến ngày 20/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Quí Thanh (71 tuổi).
Ông Trần Quí Thanh cũng kháng cáo bổ sung về phần dân sự, yêu cầu người bị hại Đặng Thị Kim Oanh có trách nhiệm hoàn hơn 238 tỷ đồng, thay vì hơn 235 tỷ đồng như cấp sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên.
Bên cạnh đó, con gái ông Thanh là bà Trần Uyên Phương (43 tuổi) có kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
Án sơ thẩm: Ông Trần Quí Thanh 8 năm tù; 2 con gái, bà Trần Uyên Phương 4 năm tù và Trần Ngọc Bích 3 năm tù cho hưởng án treo.
Trước đó, ngày 25/4/2024, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xét xử 3 bị cáo chính gồm ông Trần Quí Thanh, con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, với cáo buộc cho nhiều người vay tiền dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng tài sản rồi chiếm đoạt tổng giá trị hơn 1.048 tỷ đồng.
Tại phiên tòa này, căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, người liên quan tại toà, HĐXX có đủ cơ sở để xác định từ năm 2019 đến năm 2020, ông Trần Quí Thanh và hai con gái thông qua môi giới đã cho ông Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung và bà Đặng Thị Kim Oanh vay tiền với lãi suất 3%/tháng.
Bị cáo Trần Quí Thanh là người trực tiếp làm việc, trao đổi với người vay tiền, môi giới rồi thông báo 2 con là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích nên phải chịu trách nhiệm chính; chịu trách nhiệm tiếp theo là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Các bị cáo che giấu việc vay tài sản bằng ký hợp đồng vốn góp, có biến động sang tên, chuyển nhượng thậm chí khởi kiện tranh chấp ra toà. Bị hại khi chuẩn bị đủ tiền thì bị cáo lấy lý do không trả lại tài sản.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã ghi nhận, cả ba cha con nhà ông Trần Quí Thanh có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động…
Ông Trần Quí Thanh cho vay tiền với “luật chơi” riêng
Cáo trạng thể hiện, cha con ông Thanh cho vay tiền với lãi suất 3% một tháng – dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng và theo “luật chơi” riêng.
Ông Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản, mà buộc bên vay (các doanh nghiệp, cá nhân) phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần để che giấu việc cho vay (hợp đồng giả cách). Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều lần thực tế.
Tuy nhiên, sau khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản, ông Thanh được cho là chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt các bất động sản, vốn góp, cổ phần.
Khi bên vay trả đủ gốc và lãi theo thỏa thuận, ông đã “dùng thủ đoạn gian dối hoặc đưa ra các lý do để không trả lại tài sản” như: Vi phạm hợp đồng nên mất quyền mua lại, phải trả thêm tiền hoặc không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc…
Cơ quan công tố xác định, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, cha con ông Thanh đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá hơn 1.048 tỷ đồng. Trong đó, ông Thanh chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.
Bà Trần Uyên Phương bị cáo buộc chiếm đoạt dự án Minh Thành và 35 thửa đất, tổng trị giá 595 tỷ đồng.
Bà Trần Ngọc Bích đã chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành tổng giá trị 880 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Thanh cùng hai con không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quan hệ giao dịch giữa các bên là chuyển nhượng tài sản, cổ phần.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai của các bị hại, chứng từ giao dịch trong những lần trả tiền, dữ liệu điện tử và nội dung các tin nhắn trao đổi… xác định bản chất của các giao dịch chuyển nhượng thực chất là cho vay.
Nhà chức trách đánh giá, trong vụ án này, ông Trần Quí Thanh là người chịu trách nhiệm chính, tiếp đó đến bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích.
Leave a Reply