Ninh Thuận: Di dời 53 hộ đồng bào Raglai ở “điểm nóng” sạt lở núi đá lăn về nơi ở mới

Điểm nóng sạt lở, núi đá lăn ở Ninh Thuận

Xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) là địa bàn có 97% dân số là người đồng bào Raglai số tập trung tại 5 thôn trên địa bàn. Trong đó khu vực núi đá lăn thuộc 3 thôn Đá Mài Trên, Đá Mài Dưới và Cầu Đá là “điểm nóng” tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, núi đá lăn.

Ninh Thuận di dời 53 hộ đồng bào Raglai tại “điểm nóng” sạt lỡ, núi đá lăn về nơi ở mới- Ảnh 1.

Những ngôi nhà được xây dưới chân núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lỡ, không an toàn. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của PV dân Việt, đa số người dân nơi đây đều dựng nhà và sinh sống theo dọc dưới chân núi. Những tảng đá treo lơ lửng tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở, đá lăn khi mùa mưa đến.

Theo người dân địa phương, những năm 2000 nơi đây đã từng xảy ra sự cố sạt lở đất đá. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng sự việc đã để lại tâm lý bất an và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Để giải quyết vấn đề trên, năm 2022 tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt dự án di dân, tái định cư vùng sạt lỡ núi đá lăn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 93 tỷ đồng, quy mô 5ha với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…đầy đủ, cách nơi ở cũ của người dân khoảng 2km.

Ninh Thuận di dời 53 hộ đồng bào Raglai tại “điểm nóng” sạt lỡ, núi đá lăn về nơi ở mới- Ảnh 2.

Qua rà soát có 53 hộ (trong tổng số 106 hộ ban đầu) cần di dời để đảm bảo an toàn. Ảnh: Đức Cường

Để người yên tâm về nơi ở mới, chính quyền địa phương cũng đưa ra chính sách hỗ trợ các hộ gia đình di dời, đặc biệt là kinh phí xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư. Đối với hộ nghèo, hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà ở với mức 178 triệu đồng. Đối với hộ không phải hộ nghèo được hỗ trợ 50% tổng số tiền hỗ trợ của hộ nghèo.

Vận động người Raglai về nơi ở mới

Ông Chamaleá Hiu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho biết, qua rà soát có 53 hộ dân trong diện phải di dời về nơi ở mới. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 40 hộ đồng ý, còn lại 13 hộ chưa đồng thuận chủ trương về nơi ở mới.

Ninh Thuận di dời 53 hộ đồng bào Raglai tại “điểm nóng” sạt lỡ, núi đá lăn về nơi ở mới- Ảnh 3.

Chính quyền địa phương vận động gia đình bà Katơr Thị Ngéo về nơi ở mới. Ảnh: Đức Cường

Một trong những nguyên nhân khiến các hộ không di dời là bởi tập quán sinh sống lâu đời của người đồng bào Raglai. Tâm lý “ngại” thay đổi khiến một số hộ (đặc biệt là các hộ gia đình có người lớn tuổi) không muốn về nơi ở mới.

Gia đình bà Katơr Thị Ngéo (50 tuổi) ở thôn Đá Mài Trên có 5 người con, trong đó có 4 người con đã lập gia đình chấp thuận về nơi định cư mới. Bản thân bà Ngéo cũng muốn di dời về nơi ở mới để đảm bảo an toàn nhưng người mẹ già (hơn 70 tuổi) chưa chịu di dời.

Ninh Thuận di dời 53 hộ đồng bào Raglai tại “điểm nóng” sạt lỡ, núi đá lăn về nơi ở mới- Ảnh 4.

Khu tái định cư rộng 5ha đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ảnh: Đức Cường

Ông Chamaleá Hiu, Chủ tịch UBND xã Phước Khang cho biết, để tạo đồng thuận trong việc di dời về nơi ở mới, xã đã tổ chức lấy ý kiến của người dân.

Cụ thể, các hộ mong muốn sau khi về nơi ở mới được sử dụng phần đất nơi ở cũ để sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Người dân của mỗi thôn cũng đề nghị được lựa chọn lô đất tái định cư tập trung theo từng vùng của mỗi thôn để tiện cho sinh hoạt.

“Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân. Hy vọng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cộng với những hỗ trợ phù hợp sẽ tạo được sự đồng thuận trong việc di dời của những hộ còn lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân…”, ông Hiu cho hay.

Ninh Thuận di dời 53 hộ đồng bào Raglai tại “điểm nóng” sạt lỡ, núi đá lăn về nơi ở mới- Ảnh 5.

Mỗi lô đất tái định cư rộng ít nhất 200 mét vuông, đảm bảo nhu cầu xây dựng nhà ở và sinh hoạt của người dân. Ảnh: Đức Cường


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *