Tận dụng nguồn nước nuôi cá bỗng-cá quý hiếm
Cá bỗng là loại cá cùng họ với cá trắm cỏ và cá chép, thịt ngon, săn chắc, nên đem lại kinh tế cao. Thịt cá bỗng có thể chế biến được thành nhiều món ngon như cá bỗng nướng, cá bỗng hấp, gỏi cá bỗng, cháo cá bỗng.
Tuy cá bỗng không quá khó nuôi nhưng giống cá này thường lớn rất chậm nếu nuôi theo hình thức tự nhiên. Một năm con cá bỗng chỉ nặng lên được khoảng 1kg nếu chỉ cho cá ăn các loại thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên.
Tuy nhiên đổi lại, khi xuất bán ra thị trường loài cá này có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá khác.
Tùy vào kích cỡ mà cá có giá từ 300.000 đồng/kg đối với cá loại 3kg/con đến 500.000 – 600.000 đồng/kg tùy thuộc vào trọng lượng của cá. Cá càng nặng, nuôi càng lâu thì giá trị càng cao.
Gia đình ông Hoàng Văn Chiền (thôn Nặm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) sinh sống gần suối đầu nguồn và có 2 ao diện tích trên 1000m2 mặt nước. Do đó hơn 10 năm qua, gia đình ông Chiền đã tận dụng nguồn nước sạch này để nuôi cá bỗng.
Với những kiến thức, kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi nên đàn cá bỗng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị bệnh. Để sản phẩm đầu ra có giá bán cao, ông Chiền lựa chọn nuôi theo hướng tự nhiên. Ông sử dụng các loại thức ăn sẵn có như các loại rau cỏ, tinh bột của gia đình tự trồng được.
“Hiện nay ở khu vực này chúng tôi chủ yếu nuôi cá bỗng theo kinh nghiệm các cụ để lại, nuôi theo tự nhiên. Như gia đình tôi mỗi năm cũng bán được hơn 1 tạ cá thịt là nhiều vì loài cá này lớn chậm” – ông Chiền chia sẻ.
Hộ gia đình ông ông Hoàng Tinh Sản (thôn Nặm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cũng có 360m2 ao nuôi cá, mỗi lứa nuôi từ 400 – 500 con cá bỗng. Qua 10 năm nuôi cá bỗng, mỗi năm gia đình ông Sản có nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng, cùng với các nguồn thu nhập khác đã giúp gia đình ông thoát nghèo.
“Dân chúng tôi ở đây có sẵn nguồn nước nên chủ yếu nuôi cá bỗng, nuôi các loại con khác thì không được vì chăn nuôi lợn, gà, trâu bò giá thấp và hay thất thoát do bệnh dịch. Vừa rồi tôi đã mua thêm 200 con cá giống về, đang ươm, sau này nó lớn khoảng 3 – 4cm thì tôi thả xuống ao to” – ông Sản cho hay.
Nuôi cá bỗng giúp người dân khá giả
Điều kiện thiên nhiên ưu ái về nguồn nước nên người dân xã Lâm Thượng đã biết nuôi con cá bỗng từ lâu. Lúc đầu các hộ nuôi để lấy sản phẩm phục vụ đời sống, nhưng khi nhận thấy loại cá này có giá trị kinh tế cao và mang lại nguồn thu nhập ổn định nên đã tạo ra phong trào nuôi loại cá này.
Theo báo cáo của xã Lâm Thượng, đến nay toàn xã có 1400 hộ dân thì có trên 1000 ao nuôi, các ao có diện tích từ vài chục mét vuông đến hàng nghìn mét vuông.
Mỗi năm sản lượng cá bỗng tại xã Lâm Thượng đạt từ 15 đến 20 tấn, mang lại thu nhập 5 đến 7 tỷ đồng. Từ phát triển nuôi cá bỗng mà nhiều hộ dân ở Lâm Thượng đã thoát nghèo.
Qua tính toán của gia đình ông Hoàng Văn Chiền, với việc lựa chọn nuôi theo hướng tự nhiên, trọng lượng của cá bỗng sau 4 đến 5 năm đạt trên 4kg. Với giá bán từ 350.000 – 400.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Chiền thu khoảng 400 triệu đồng từ cá bỗng.
Thu nhập từ nuôi cá bỗng đã giúp gia đình ông Chiền trở thành hộ khá giả trong thôn.
Tuy nhiên vì cá bỗng lớn quá chậm nên gia đình ông Chiền cũng tính có thể sẽ chuyển đổi sang nuôi bán công nghiệp, khi đó giá trị của con cá vẫn được giữ mà lợi nhuận kinh tế trên cùng diện tích sẽ cao hơn.
“Gia đình chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình tiến tới nuôi thương phẩm, nếu được đầu tư nuôi theo bán công nghiệp thì giá trị kinh tế của con cá bỗng đem lại chắc chắn sẽ cao hơn” – ông Chiền nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Triệu Văn Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Thiên nhiên ưu đãi cho xã Lâm Thượng được nguồn nước rất sạch. Con cá bỗng có giá trị dinh dưỡng cao, cá phát triển chậm nhưng chất lượng rất tốt. Hằng năm từ cá bỗng cũng giúp cho người dân có thu nhập cao.
Địa phương cũng xác định đây là hướng đi đúng và tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng các mô hình nuôi cá bỗng này”.
Giá cá bỗng bán trung bình từ 300.000 – 350.000 đồng/kg cho loại 3kg/con. Con cá bỗng càng nặng thì giá trị cũng càng cao lên theo, có thể lên đến 500.000 – 600.000 đồng/kg. Ảnh: Hoàng Hữu.
Đến nay, mô hình nuôi cá bỗng không chỉ phát triển ở xã Lâm Thượng, mà còn phát triển ở nhiều xã trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Bên cạnh việc nuôi cá bỗng để phát triển kinh tế, hiện nay người dân xã Lâm Thượng còn nuôi cá bỗng gắn phát triển du lịch, tạo thêm sức hút cho du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Leave a Reply