Mua lợn giống trên mạng xã hội
Gia đình ông Sầm Văn Chính (bản Làng Sang, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã chăn nuôi lợn theo quy mô hàng hóa từ hơn chục năm qua. Trước đây, ông Chính thường mua lợn giống từ các cơ sở chăn nuôi có uy tín tại địa phương nên đàn lợn luôn phát triển ổn định, mang lại thu nhập khá.
Tháng 7 năm nay, ông Chính thử đặt mua lợn giống qua mạng xã hội Facebook. Theo ông Chính, sở dĩ ông chọn mua lợn giống trên Facebook vì xem quảng cáo thấy giá rẻ, con giống lại có trọng lượng lớn hơn khi mua ở các trại giống địa phương.
Sau đó, vào ngày 8/7, trại giống có tên gọi Cẩm Tú giao đàn lợn giống gồm 20 con, trung bình trọng lượng 20kg/con đến tận chuồng cho gia đình ông. Với giá 1,3 triệu đồng/con, tổng chi phí cho đàn lợn giống là 26 triệu đồng.
Sau khi nhận lợn về nuôi khoảng 1 tuần, đến ngày 14/7, một số con lợn có dấu hiệu bỏ ăn, đến ngày 16/7 có 3 con bị chết. Gia đình ông Chính đã báo với bản và phối hợp thực hiện tiêu hủy lợn chết theo quy định.
Số lợn giống còn lại đến ngày 19/7 tiếp tục có hiện tượng ốm, bỏ ăn. Ông Chính tiếp tục thông báo với bản và xã để báo cáo cơ quan chức năng của huyện.
Ông Chính cho hay, sau khi phát hiện lợn ốm, chết, ông đã liên hệ với số điện thoại và địa chỉ Facebook đã đặt hàng nhưng không thể liên lạc được. Biển số xe chở lợn giống giao đến nhà cũng chỉ nhớ đầu số 19 (thuộc tỉnh Phú Thọ), không có giấy tờ ký kết hay bằng chứng gì nên chỉ biết ngậm ngùi chịu thiệt.
Ngày 19/7, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải nhận được thông báo của UBND xã Nậm Khắt về tình hình lợn ốm chết tại bản Làng Sang không rõ nguyên nhân.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã cử cán bộ phối hợp cùng xã trực tiếp đi kiểm tra xác minh. Qua kiểm tra nhận thấy số lợn trên có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng như: Vùng da trắng ở ngực và bụng chuyển sang màu đỏ; vành tai, đuôi, cẳng chân có màu xanh thẫm.
Ông Nguyễn Viết Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết, đơn vị chỉ đạo cán bộ thú y thực hiện mổ khám kiểm tra bệnh tích, thấy xuất huyết nhiều ở các hạch lympho dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong.
Đặc biệt, lá lách sưng chuyển màu xanh đen. Chẩn đoán nghi mắc dịch tả lợn châu Phi, mẫu bệnh phẩm thu được gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm.
Đến ngày 20/7, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 5032/CD-XN, mẫu bệnh phẩm của đàn lợn nhà ông Chính dương tính với virus Dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi có kết quả xét nghiệm và báo cáo UBND huyện, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải phối hợp với chính quyền xã Nậm Khắt tuyên truyền, vận động gia đình ông Chính tiêu hủy toàn bộ 16 con lợn còn lại. Đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực nuôi nhốt, khu vực tiêu hủy bằng thuốc sát trùng và rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.
Ngoài ra, yêu cầu chủ hộ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên tẩy uế khu vực chuồng nuôi bằng các chất sát trùng. Tối thiểu sau 21 ngày theo dõi trên địa bàn không có ổ dịch nào phát sinh mới được tái đàn trở lại.
Vận động người dân tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn vật nuôi
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, xã Nậm Khắt cử cán bộ khẩn trương thống kê tổng đàn lợn của bản Làng Sang và các bản giáp ranh; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động kinh phí, đăng ký tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi để Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đặt mua và cung ứng kịp thời. Ngoài ra, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh khác cho đàn vật nuôi để giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ông Thào A Phềnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết, hiện nay chính quyền xã đang tập trung vận động người chăn nuôi mua gia súc, gia cầm giống ở những nơi có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng. Khi mua về, con giống phải được nuôi nhốt, cách ly theo dõi mới cho nhập đàn. Không tự ý mua con giống qua mạng, ở những nơi không có nguồn gốc, xuất xứ và địa chỉ rõ ràng để tránh mua phải gia súc, gia cầm ốm làm lây lan phát tán mầm bệnh cho đàn vật nuôi địa phương.
Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: Cách ly đàn lợn với người và động vật khác; khử trùng, khử khuẩn các dụng cụ cho lợn ăn; tăng lượng thức ăn tinh bột nấu chín cho đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng, khách sạn…; hạn chế khách tham quan, thương lái vào khu vực chăn nuôi.
Tuyệt đối không mua lợn giống không rõ nguồn gốc
Huyện Mù Cang Chải hiện có đàn gia súc chính trên 90.000 con, trong đó đàn lợn hơn 65.000 con. Chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân người Mông trên địa bàn. Tuy nhiên, các cơ sở, trang trại chăn nuôi quy mô lớn còn ít, đa phần là các mô hình nuôi lợn theo quy mô nông hộ từ 10 – 20 con. Chuồng trại còn sơ sài, nhiều hộ còn nuôi thả rông, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa đồng bộ.
Ngoài ra, việc quản lý buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật còn hạn chế bởi địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều địa phương, lực lượng cán bộ thú y mỏng… Nếu bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là Dịch tả lợn châu Phi thì thiệt hại sẽ rất lớn, khó ngăn chặn, kiểm soát việc lây lan.
Trước thực trạng này, UBND huyện Mù Cang Chải đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nuôi nhốt, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Định kỳ vệ sinh, sát trùng tại khu vực chăn nuôi và các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất.
Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mù Cang Chải cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua, bán thịt lợn, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ sản phẩm của lợn. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo quy định, nhất là vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt, thực hiện 5 không trong chăn nuôi gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Leave a Reply