Clip: Dịch tả lợn châu Phi, giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch tại Sơn La
Sơn La tăng cường phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi
Thời gian qua, tình hình Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều diễn biến phức tạp và đã gây nhiều thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi. Từ năm 2021-2023, ngành chức năng đã tiêu hủy gần 13.000 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng gần 645 tấn.
Trước diễn biến đó, tỉnh Sơn La triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh, đặc biệt tại các huyện có số lượng đầu con lợn bị mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhiều, như: Phù Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp và Vân Hồ…
Trao đổi với PV Báo Dân Việt điện tử, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, cho biết: “Từ khi xuất hiện ở Sơn La, bệnh Dịch tả lợn châu Phi có diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của người chăn nuôi và sự phát triển của ngành chăn nuôi. Chi cục và các địa phương đã và đang phối hợp triển khai thực hiện tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi, hiện tại vắc-xin được sử dụng là AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam tự phát triển”.
Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có tổng đàn gia súc đạt hơn 120.700 con, trong đó đàn lợn có 52.300 con. Trước những thiệt hại nặng nề do Dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019-2023, ngành chức năng huyện đã tiêu hủy trên 5.340 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi của 1.055 hộ, với tổng trọng lượng gần 263,7 tấn.
Huyện Phù Yên đã tiến hành triển khai tiêm phòng vắc-xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn, giai đoạn 1 từ tháng 1-3/2024, tiêm phòng thử nghiệm miễn phí 667 liều vắc-xin AVAC ASF LIVE phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho 667 con lợn tại xã Huy Thượng, Huy Tân, giai đoạn 2 từ tháng 3-5/2024, huyện Phù Yên cũng đã tiến hành tiêm được 1.573 liều trên toàn huyện.
Sau khi triển khai tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, 100% số lợn đã tiêm phòng bệnh đều có kháng thể, phát triển khoẻ mạnh, không có trường hợp bất thường như phản ứng vắc xin, bỏ ăn sau khi tiêm.
Ông Hà Mạnh Kim, Tổ chăn nuôi thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai 02 đợt tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn châu Phi, sau khi tiêm chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của đàn lợn, đến giờ này, đàn lợn khỏe bình thường và không có biểu hiện gì khác. Đàn lợn sau tiêm 28 ngày đã được đưa đi xét nghiệm kháng thể và đã đạt được trên 90% kháng thể”.
Tiêm vắc-xin Dịch tả lợn châu Phi, các nông hộ yên tâm tái đàn
Huy Tân là một xã trên địa bàn huyện Phù Yên có thế mạnh về chăn nuôi, tuy nhiên từ năm 2020-2023, Dịch tả lợn châu phi bùng phát đã làm ảnh hưởng lớn kinh tế của người dân. Đầu năm 2024, xã được UBND huyện Phù Yên phối hợp với Công ty cổ phần AVAC Việt Nam hỗ trợ tiêm 310 liều vắc-xin AVAC ASF LIVE tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi, sau 28 ngày tiêm vắc-xin phòng bệnh, tất cả đàn lợn đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường.
Gia đình ông Mùi Văn Nghiêm, bản Giáo 2, xã Huy Tân, huyện Phù Yên là một trong nhiều hộ đã từng thiệt hại không nhỏ do Dịch tả lợn châu Phi với số lợn thiệt hại khoảng 900kg. Nhận thấy công tác tiêm phòng vắc-xin là yếu tố quan trọng để tái đàn, gia đình ông Nghiêm đã tiên phong đăng ký tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, đến nay, ông vô cùng vui mừng, phấn khởi khi thấy đàn lợn hiện vẫn tăng cân đều và khỏe mạnh sau 2 tháng tiêm.
Ông Mùi Văn Nghiêm chia sẻ: “Được sự tuyên truyền của cấp xã cũng như cán bộ thú y, gia đình tôi cũng đăng ký tiêm phòng Dịch tả lợn châu Phi đầy đủ cho đàn lợn, đến nay, đàn lợn nhà tôi phát triển bình thường, tôi rất yên tâm sản xuất phát triển đàn”.
Cũng như gia đình ông Nghiêm, đầu năm 2024, gia đình ông Hà Văn Nhương, bản Puôi 3, xã Huy Tân được tham gia chương trình tiêm thử nghiệm vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam tự phát triển và đã tiêm 1 liều duy nhất cho đàn lợn nái sinh sản của gia đình. Vì đây là vắc xin mới, lại chưa có hộ dân nào ở xã tiêm phòng nên lúc đầu ông cũng lo lắng rủi ro có thể xảy ra. Nhưng qua theo dõi, lợn sinh sản được tiêm vắc xin vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt sau khi tiêm, ông Nhương rất vui mừng.
Ông Nhương phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi được bản, xã đến trao đổi và vận động đăng ký tiêm phòng Dịch tả lợn châu Phi vào tháng 1/2024, nói chung lợn sau tiêm phát triển bình thường không có vấn đề gì, vừa rồi tôi đã bán 1 lứa 8 con lợn giống”.
Tại huyện Phù Yên, có thể thấy hiệu quả sau khi tiêm vắc-xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn đã được chứng minh rõ rệt. Đàn lợn sau khi tiêm vắc-xin đã phát triển khả năng miễn dịch mạnh mẽ đối với virus Dịch tả lợn châu Phi. Tỷ lệ mắc bệnh trong đàn lợn giảm đáng kể, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và giúp ổn định tình hình chăn nuôi. Điều này không chỉ giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho các nông hộ chăn nuôi mà còn đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững tại địa phương.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt điện tử, ông Đinh Văn Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Huy Tân cho biết: “Xã Huy Tân được UBND huyện hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng Dịch tả lợn châu Phi, đợt đầu tiên từ tháng 1/2024, đến nay tất cả đàn lợn được tiêm phòng phát triển bình thường, bà con nhân dân đã tin tưởng vào số vắc-xin này. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho bà con nhân dân thứ nhất phải mua con giống đảm bảo nguồn gốc, thứ 2 phải tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để bảo vệ tài sản của mình”.
Cùng với huyện Phù Yên, các huyện Mộc Châu, Sốp Cộp và Vân Hồ, tỉnh Sơn La cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Tại huyện Mộc Châu từ 24/6 đến nay đã triển khai tiêm được 1.520 liều, tại huyện Sốp Cộp từ 10/6-20/6 đã triển khai tiêm được 1.950 liều và hiện tại tiếp tục triển khai 2.150 liều, tại huyện Vân Hồ từ ngày 30/6 đến nay đã triển khai tiêm được 870 liều.
Leave a Reply