Nuôi con đặc sản chỉ ăn lộc rừng, thịt mềm ngọt, ở nơi này của Nghệ An, nông dân lập tổ hội nghề nghiệp

Người dân ở xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có truyền thống nuôi dê từ lâu. Bà con xã Nậm Cắn thường tận dụng các loại lá, lộc cây rừng làm thức ăn cho đàn dê vì thế thịt dê ở đây chất lượng rất tốt. 

Ai đã một lần lên xã Nậm Cắn và từng được thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt dê đều mê mẩn bởi cảm giác miếng thịt mềm, ngon, ngọt. Hương vị thịt dê được nuôi ở xã Nậm Cắn riêng biệt mà không nơi nào có được.

Nuôi con đặc sản chỉ ăn lộc rừng, thịt mềm ngọt, ở nơi này của Nghệ An, hễ bán về xuôi là hết sạch- Ảnh 1.

Đàn dê được bà con ở bản Pà Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chăn thả trên các cánh rừng nên thịt mềm, ngon, thơm, ngọt. Thịt dê nơi đây được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: H.B.P

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống, nhu cầu thị trường tăng cao nên đàn dê được phát triển mạnh ở xã Nậm Cắn. 

Đặc biệt tại bản Pà Ca đàn dê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Bà con trong bản cũng liên kết với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm, con giống, thị trường tiêu thụ để tăng hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế từ và phát triển các mô hình nuôi dê thương phẩm trên địa bàn, Hội Nông dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã thành lập và ra mắt Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê tại bản Pà Ca với 10 thành viên.

Các thành viên tổ hội đều là những người có kinh nghiệm chăn nuôi dê của địa phương. Với tổng đàn dê thường xuyên duy trì 150 đến 160 con, thu nhập bình quân hàng năm cho 1 hội viên 25 đến 30 triệu đồng.

Nuôi con đặc sản chỉ ăn lộc rừng, thịt mềm ngọt, ở nơi này của Nghệ An, hễ bán về xuôi là hết sạch- Ảnh 2.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê bàn Pà Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được thành lập với 10 thành viên. Ảnh: H.B.P

“Nguồn thức ăn cho đàn dê chủ yếu được bà con dân bản tận dụng từ cây rừng. Bên cạnh đó, bà con cũng cho đàn dê ăn thêm ngô, sắn bổ sung tinh bột. Đồng thời người dân cũng làm chuồng để đảm bảo tránh nắng, rét cho đàn dê. 

Dê được nuôi 3 tháng sẽ đạt trọng lượng và chất lượng có thể xuất chuồng. Vì thế, thu nhập của người dân cũng đều và ổn định hơn”, ông Hờ Bá Pó – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Trước đây, các hộ chăn nuôi dê theo hình thức nhỏ lẻ, tuy có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, vì vậy không dám mở rộng quy mô. 

Nhận thấy việc thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sẽ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, các thành viên đã tự bàn bạc, thống nhất quy chế hoạt động. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân cũng đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ để Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sớm đi vào hoạt động.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê được thành lập với mục đích hướng đến là cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết nối với các thương lái trong và ngoài địa phương đến tận nơi để thu mua.

Nuôi con đặc sản chỉ ăn lộc rừng, thịt mềm ngọt, ở nơi này của Nghệ An, hễ bán về xuôi là hết sạch- Ảnh 3.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sẽ giúp bà con bàn Pà Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát triển mô hình chăn nuôi dê thương phẩm. Ảnh: H.B.P

Hiện nay, đàn dê của các gia đình ổn định, bình quân hàng năm xuất chuồng trên 20 con dê thịt với trọng lượng mỗi con đạt bình quân khoảng 20kg, giá bán giao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Ngoài chăn nuôi dê để bán dê thịt, mỗi hộ đều có khoảng 10 con dê cái sinh sản. Số lượng dê sinh sản đảm bảo tăng, tái đàn trong chăn nuôi.

Tại buổi lễ ra mắt, ông Hờ Bá Pó – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn đã ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của hội viên bản Pà Ca trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 đặc biệt là sự quan tâm thực hiện chỉ tiêu thành lập tổ hội nghề nghiệp.

Đồng thời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cũng mong muốn, trong thời gian tới Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê tại địa phương sẽ đi vào hoạt động có nề nếp và hiệu quả, phát triển đàn giống, nâng cao năng suất, chất lượng để cải thiện thêm thu nhập và ổn định cuộc sống cho các thành viên trong Tổ hội.

Bên cạnh đó, Tổ hội thực hiện liên kết trong sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Qua đó, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định hướng đến nền kinh tế nông nghiệp trong thời đại mới.

Ông Phan Bá Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, đẩy mạnh xây dựng và phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện để hội viên nông dân có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, cùng hỗ trợ nhau sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi hàng hóa có tính liên kết trong vùng.

Để các loại hình kinh tế hợp tác ngày càng được phát triển, tăng lên về số lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoạt động bền vững, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của các địa phương để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thành lập, tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *