Thương lái “neo” trái trên cây kiểu mặc kệ?!
Đắk Lắk hiện có khoảng 35.000ha sầu riêng, sản lượng ước đạt trên 350.000 tấn, là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nguyên và cả nước.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng.
Sầu riêng Đắk Lắk được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11/7/2022. Việc sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đã giúp giá sầu riêng ở mức tương đối cao.
Cùng với đó, nhiều nông dân trồng sầu riêng đã thu được lãi lớn và diện tích sầu riêng cũng theo đó mà tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch sầu riêng năm nay gặp nhiều khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến chất lượng không cao, sầu riêng giảm giá.
Bên cạnh đó, nhiều thương lái thu mua sầu riêng “neo trái” trên cây chưa cắt, khiến nhiều nông dân như đang ngồi trên “đống lửa”.
Gương mặt lo lắng, đi quanh vườn gom những trái sầu riêng rụng lủng lẳng trên dây buộc để mang ra chợ bán, anh Nguyễn Trần Hoài An, ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đang rất lo lắng.
Gia đình anh có hơn 3ha sầu riêng Dona năm thứ 7, thương lái đã đặt cọc, chốt giá từ đầu vụ nhưng nay vườn đã chín mà thương lái vẫn chưa vào cắt.
“Đầu vụ thương lái vào chốt giá 85.000 đồng/kg, mà giờ giá xuống thấp, chín nhiều lắm rồi, họ cố tình “neo vườn”, gọi liên tục dục họ vào cắt cả hơn 15 ngày nay nhưng thương lái cứ ậm ừ chưa thấy vào cắt”, anh Hoài An cho biết.
Sầu riêng giảm giá, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thương lái cứ “neo trái” trên cây kiểu mặc kệ, trong khi nhiều vườn sầu riêng chín rụng, vườn khác thì trái đã già treo lủng lẳng trên dây buộc.
Cùng nỗi lo, anh Hoàng Văn Thái, (ở huyện Krông Pắk) có gần 200 cây sầu riêng Dona chia sẻ, gần 1 tháng nay, trời mưa nhiều, tỷ lệ trái trong vườn sầu riêng bị sượng cơm có cao hơn bình thường nhưng cũng không phải là quá nhiều.
Nhiều thương lái lợi dụng việc này để “neo vườn” không cắt, ép giá xuống rất thấp dù trước đó đã làm hợp đồng. Giờ mỗi ngày gia đình cũng phải mất 2-3 lần đi thu gom những trái sầu đã rụng bán với giá rẻ.
“Lúc thương lái vào chốt vườn giá 84.000 đồng/kg mà bây giờ đòi tôi bớt xuống 50.000 đồng/kg. Tôi không đồng ý với mức giá này nên họ cố tình “neo vườn” trong khi sầu thì đã chín khá nhiều rồi, tôi chẳng biết làm như thế nào”, anh Thái buồn bã nói.
Mùa sầu riêng đầy biến động: Neo trái, bẻ kèo, bỏ cọc vì đâu nên nỗi?
Theo anh Nguyễn Văn P. (một thương lái sầu riêng xuất khẩu) chia sẻ về giá sầu riêng “giảm sâu” trong những ngày qua.
Vào đầu tháng 7, giá mua sầu riêng Dona hàng đóng đi xuất khẩu tại vườn dao động từ 85.000 – 95.000 đồng/kg, tuy nhiên, nay giảm còn 60.000 – 70.000 đồng/kg (tại vườn). Thực tế nhiều thương lái ép người nông dân bán ở mức 45.000-55.000/kg.
“Vì giá giảm sâu, trong khi nhiều thương lái chốt vườn với giá khá cao nên có nhiều thương lái đã “neo trái” trên cây không vào cắt.
Như chúng tôi thì thỏa thuận với các nhà vườn cho cắt muộn thêm khoảng 7-10 ngày so với hợp đồng, để chất lượng quả tốt hơn vì mấy ngày nay cũng lượng mưa cũng ít đi rồi. Cùng với đó, chúng tôi sẽ gom mua những trái sầu rụng cho nhà vườn, như thế các nhà vườn cũng vui vẻ đồng ý cả 2 bên đều giảm bớt được thiệt hại”, anh P. chia sẻ.
Sầu riêng giảm giá, thương lái “neo trái” trên cây, nhiều nông dân, nhà vườn Đắk Lắk phải gom sầu riêng chín rụng để mang ra chợ bán.
Anh Trần Văn H. (một lái buôn sầu riêng xuất khẩu) cho biết việc xuất khẩu sầu riêng cũng đang chậm vì phía Trung Quốc đang khắc phục thiên tai. Đồng thời, việc kiểm tra chất lượng sầu riêng khắt khe hơn dẫn đến giá sầu riêng “giảm sâu” so với đầu vụ, các thương lái không muốn cắt mà “neo trái” trên cây vì nhiều thương lái đã “lỡ” chốt vườn giá khá cao.
Trên đây là 1 số lý do khiến hàng loạt kho sầu riêng ở Đắk Lắk vẫn “cửa đóng then cài, vắng như chùa bà Đanh” mà Báo Dân Việt đã thông tin.
Liên quan đến việc, quả sầu riêng bị sượng cơm do mưa nhiều, ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắc, khuyến cáo bà con cần, thường xuyên kiểm tra, quản lý, phát hiện sớm các loại nấm bệnh để phun thuốc phòng nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan.
Cùng với đó, cần có giải pháp giúp cây thoát nước đọng, kết bón bổ sung hợp ka-li trắng giúp cân bằng dinh dưỡng trong trái sầu riêng, hạn chế hiện tượng cơm sượng nước và ngăn lây lan nấm bệnh góp phần giúp cho chất lượng sầu riêng tốt hơn.
Trước tình hình thị trường sầu riêng có nhiều biến động và thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, UBND tỉnh Đắk Lắk đang chỉ đạo các sở ngành tìm giải pháp gỡ khó cho ngành hàng. Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động thu mua và xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng; nghiên cứu, đề xuất hình thành chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sầu riêng.
Công an tỉnh Đắk Lắk tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong vụ mùa thu hoạch sầu riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh đang tăng cường giải pháp nâng cao năng lực của các cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu sầu riêng; chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.
Đồng thời, kiểm soát liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Cùng với đó, ngành chức năng cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến ngành hàng sầu riêng của tỉnh.
Leave a Reply