Ngôi mộ của thượng thư Lê Quang Định và phu nhân sau thời gian được tìm thấy trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đã được tu sửa. Điều đặc biệt việc tu sửa cả 2 ngôi mộ dựa trên yếu tố gốc và được thực hiện theo phương pháp truyền thống.
Khu mộ của thượng thư Lê Quang Định và phu nhân tọa lạc tại khu nghĩa trang bên trái, phía trước khu vực chùa Thiền Tôn (phường An Tây, TP. Huế) vừa tu sửa xong và được hậu duệ cùng những tấm lòng thiện tâm thực hiện nghi lễ hoàn tạ, khánh thành.
Hai mộ cổ từng xuống cấp, hư hỏng nặng
Trước đó, kiến trúc cả 2 ngôi mộ thượng thư Lê Quang Định và phu nhân nghiêng lún và bể vỡ nhiều vị trí. Bằng mắt thường có thể thấy rõ các lớp hợp chất bị phong hóa dẫn tới bong tróc, vỡ ở hầu hết bề mặt, cây cối ăn phá, bao phủ nhiều năm dẫn đến các cấu kiện kiến trúc bị hư hại rất nặng.
Thông qua hậu duệ của thượng thư Lê Quang Định, một số cá nhân đã phát tâm xin được tu sửa lại cả 2 ngôi mộ. Việc tu sửa này được thực hiện theo phương pháp phục hồi bằng vật liệu, kỹ thuật truyền thống để cho di tích trở về nguyên thủy, đảm bảo tối đa yếu tố gốc.
Việc nghiên cứu và chỉ đạo thi công tu sửa 2 ngôi mộ được TS. Lương Chánh Tòng, Giảng viên bộ môn Khảo cổ học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đảm nhận. Ngoài ra còn có sự tham gia tư vấn, hỗ trợ khoa học của TS.Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.
Theo TS. Tòng, việc tu sửa 2 ngôi mộ này được thực hiện dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng thực tế cũng như tham khảo các khu mộ của quan đại thần triều Nguyễn ở miền Nam được tu sửa theo phương pháp truyền thống trước đó. Phương pháp này được thực hiện theo trình tự 4 bước.
Ngôi mộ của thượng thư Lê Quang Định sau khi được tu sửa bằng phương pháp truyền thống tại nghĩa địa phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đầu tiên đó là việc phát quang tổng thể, làm rõ yếu tố gốc của kiến trúc 2 ngôi mộ bằng cách thủ công, lần tìm và làm phát lộ yếu tố gốc của kiến trúc đang bị vùi lấp bởi đất đá, xê dịch vị trí các cấu kiện kiến trúc. Tiếp đó, thực hiện việc tập kết, thu gom các loại hình vật liệu kiến trúc hợp chất và vật liệu đá núi… từng cụm đang phát lộ trên bề mặt cũng như các loại hình phát hiện trong quá trình phát quang để phân loại, chỉnh lý, xác định nguồn gốc, vị trí, từ đó tiến hành phục dựng.
Sau đó, loại bỏ các loại hình dễ cây lớn, nhỏ đang ăn mòn, xâm hại ở các vị trí kiến trúc, làm vệ sinh sạch sẽ các dấu tích kiến trúc mộ. Cuối cùng đó là phục hồi các vị trí kiến trúc đang bị đổ sập, sai lệch, vùi lấp để tạo cho kiến trúc mộ nguyên thủy.
Trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ
Điều đặc biệt, việc tu sửa này đó là sử dụng hợp chất và đá núi. TS. Tòng cho biết, đây là loại hình vật liệu mang tính truyền thống trong lịch sử kiến trúc lăng mộ Việt Nam, phổ biến ở khu vực miền Trung và Nam Bộ giai đoạn thế kỷ 17-19, dân gian gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như hợp chất ô dước, hợp chất vôi mật, hợp chất bời lời, hợp chất tam hợp…
Vật liệu hợp chất sử dụng trong tu bổ đảm bảo các yếu tố khoa học trên cơ sở phân tích thành phần vật liệu gốc của di tích, ứng dụng các nghiên cứu đối sánh với kết quả phân tích thành phần vật liệu hợp chất từ một số loại hình di tích có cùng tính chất và niên đại qua các công trình tương tự đã thực hiện thành công ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành Nam Bộ.
Hậu duệ của thượng thư Lê Quang Định thực hiện nghi lễ trước ngôi mộ, sau khi được tu sửa. Thượng thư Lê Quang Định là người biên soạn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn.
Cũng theo TS. Tòng, việc bào chế vật liệu hợp chất đảm bảo được các yếu tố bền vững, màu sắc, mỹ thuật theo yêu cầu phù hợp với vật liệu gốc rất khó khăn. Nhiều nguồn vật liệu trước kia được dân gian sử dụng như mật mía, nhựa ô dước/bời lời, vôi ta/vôi cục… hiện nay ít có trên thị trường về nguồn cung, một số loại hình vật liệu đặc thù không còn sản xuất theo dạng truyền thống như nhựa ô dước/bời lời được thay thế bằng công nghệ mới cùng chất liệu và tính chất, đòi hỏi phải nghiên cứu tỷ lệ, thành phần và nhiều công đoạn khác.
Tỷ lệ ngâm, pha trộn và ủ vật liệu hợp chất cũng đòi hỏi rất nhiều công phu qua từng công đoạn tỉ mỉ, đảm bảo được nhiệt độ, độ ẩm không khí, màu sắc, tính kết dính và sức bền, sức nén vật liệu.
Việc thi công vật liệu hợp chất cũng rất khó khăn, do tính chất là vật liệu có tính chất nhão, ướt, lâu khô, không đổ hay trám bằng lớp dày được.
“Vì thế phải trải qua nhiều công đoạn tô trám từng lớp mỏng, lớp này khô rồi mới tô được lớp khác, công đoạn thi công này tốn rất nhiều công và đòi hỏi đội ngũ thi công phải lành nghề”, TS. Tòng giải thích và cho biết toàn bộ đội thợ thi công cũng từ miền Nam ra. Ngoài ra, vật liệu cũng được mua từ TP. Hồ Chí Minh rồi vận chuyển ra bởi giá thành rẻ hơn sau khi tham khảo ở nhiều thị trường khác.
Nói thêm về màu sắc của công trình, TS. Tòng cho biết nhìn bằng mắt thường sau khi tu sửa nên mộ có màu vàng đậm, đó là màu của mật lúc chưa khô. Khi gặp thời tiết nắng nóng, mật sẽ tiếp tục chảy và quyện với nhau. “Trải qua thời gian, màu sẽ ngã dần và dịu lại”, TS. Tòng nói với kinh nghiệm khi đã thi công nhiều ngôi mộ với phương pháp này.
Người biên soạn bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn
Lê Quang Định (1759 – 1813), tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai, là người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là xã Phú Mậu, TP. Huế). Ông từng làm quan Thượng thư bộ Binh dưới thời vua Gia Long.
Thượng thư Lê Quang Định có thời gian dài gắn bó với Gia Định và được người đương thời phong “Gia Định Tam Gia” (cùng với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh).
Chính ông là người biên soạn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Cuốn sách vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX.
Leave a Reply