Ngày 7/12/2023, Hội đồng Khoa học-Công nghệ huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị nghiệm thu “Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình hoa trong ao đất”.
Cá chình hoa nuôi trong ao đất ở xã Đak Smar (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cá chình hoa là một trong những loài cá đặc sản, bán giá cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Minh Ngân
Dự án nuôi cá chình trong ao đất được ngành chức năng triển khai tại xã Đak Smar (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) trong 24 tháng (từ 10-2021 đến 9-2023).
Tổng kinh phí thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá chình hoa trong ao đất ở xã Đak Smar là 2,293 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 647 triệu đồng, người dân thực hiện mô hình nuôi tham gia đóng góp hơn 1,645 tỷ đồng.
Qua báo cáo của chủ nhiệm dự án và đánh giá của cơ quan chủ trì thì cá chình hoa thích nghi với điều kiện tự nhiên ở địa phương nên tỷ lệ sống khá cao, khoảng 80%.
Cá trình tăng trưởng nhanh, trọng lượng cá chình hoa trung bình khoảng 1,6 kg/con. Sau 20 tháng nuôi từ cỡ cá chình giống thả nuôi 53 gram/con; năng suất cá chình nuôi đạt 2,6 kg/m2, tương đương khoảng 26 tấn/ha.
Nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất là mô hình đầu tư nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Tại hội nghị nghiệm thu, Hội đồng Khoa học-Công nghệ huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đánh giá cao các nội dung của Dự án đã thực hiện đảm bảo yêu cầu đề ra.
Việc triển khai “Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình hoa trong ao đất” đã khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Dự án đã được đánh giá kết quả đạt.
Leave a Reply